Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ kinh doanh nông sản, Sở đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo nguy cơ trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên.
Chỉ tính riêng từ ngày 15/7 đến 15/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải hàng trăm tin, bài về bảo đảm an toàn thực phẩm và phối hợp với đài truyền thanh các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phát 3.697 lượt tin, bài, 1.500 tờ rơi hướng dẫn sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm.
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ kinh doanh nông sản đang có nhiều chuyển biến tích cực (Ảnh Mạnh Quân) |
Cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã mở 18 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản cho cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã; 33 lớp tập huấn cho người sản xuất kinh doanh nông sản và các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản; 18 lớp tập huấn quy định về truy xuất nguồn gốc, khuyến khích cơ sở áp dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản…
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn đã góp phần nâng cao được nhận thức, ý thức của các tiểu thương kinh doanh tại chợ đối với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng một số chợ đã xuống cấp, nhất là các chợ ở khu vực ngoại thành, chưa đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm.
Mặt khác, sự hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của các tư thương tại các chợ còn hạn chế nên việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ chưa cao.
Thói quen tiêu dùng và nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, do đó, dễ chấp nhận việc sử dụng những sản phẩm và đồ bao gói không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ngoài ra, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm nông sản tuyến cơ sở chủ yếu dựa vào lực lượng nhân viên thú y, bảo vệ thực vật tại các xã, phường, thị trấn và cán bộ phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã.
Nhưng lực lượng này thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương để triển khai nhiệm vụ này hiệu quả chưa cao.
Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại và phát huy những kết quả đã đạt được, các cấp, các ngành thành phố tiếp tục quan tâm cải tạo, nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng chợ nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các chợ kinh doanh nông sản.
Các cơ sở, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm, rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp trong chợ…
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 454 chợ, trong đó, 197 chợ thành thị, 257 chợ nông thôn. Toàn thành phố có 14.028 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong các chợ. Trong đó, có 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do thành phố quản lý; 3.237 hộ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do cấp huyện, cấp xã quản lý; 10.789 cơ sở không có đăng ký kinh doanh, nhỏ lẻ. Phần lớn các cơ sở trong chợ kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tươi sống, sản phẩm thô phục vụ người tiêu dùng. |