Dự thảo sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết một số điều của LuậtAn toàn thực phẩm (ATTP) vừa được Bộ Y tế công bố được cho là đã nới lỏng khâu tiền kiểm đối với một số ngành hàng thuộc lĩnh vực ATTP. Tuy nhiên, với nhóm thực phẩm có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe bắt buộc phải công bố chất lượng.
Quản để tránh "loạn"
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế - đại diện Ban soạn thảo, cho biết trong dự thảo đề nghị phương án thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm sẽ thuộc nhóm sản phẩm doanh nghiệp (DN) tự công bố.
Theo đó, DN sẽ tự công bố hợp quy đối với sản phẩm đã có quy chuẩn và công bố phù hợp ATTP đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn. Bản tự công bố sẽ được gửi tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan tiếp nhận mà chúng tôi đề nghị là sở y tế các địa phương. Sau 7 ngày nếu các sở y tế không có ý kiến bằng văn bản thì DN được sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo nội dung đã công bố.
Còn lại với các nhóm thực phẩm chức năng; phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe đều phải nộp hồ sơ công bố đến Bộ Y tế để được thẩm định. Hiện các nhóm sản phẩm trên đều phải thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP tại Bộ Y tế. Thời gian thẩm định hồ sơ và các nội dung ghi nhãn của sản phẩm phù hợp quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa… là 30 ngày để sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường.
Kiểm tra mặt hàng thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người sử dụngẢnh: NGỌC DUNG
Dự thảo sửa đổi Nghị định 38 cũng bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu. Đó là các sản phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, không bán cho các cơ sở khác và sản phẩm sau khi sản xuất không tiêu thụ tại thị trường trong nước; thực phẩm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế, thực phẩm chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất...
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế - cho biết Bộ Y tế tiếp thu và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là tạo điều kiện tối đa cho DN song có những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân thì cần quản lý chặt chẽ. Các sản phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu sau 3 lần kiểm tra liên tục trong vòng 12 tháng sẽ chỉ kiểm tra trên hồ sơ.
Không hành doanh nghiệp
Về dự thảo này, đại diện các hiệp hội và nhiều DN vẫn cho rằng nên áp dụng quản lý ATTP bằng hậu kiểm. Tức là DN sau khi sản xuất sẽ gửi mẫu đến các phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Nếu đạt chất lượng thì sẽ tự xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng và cung cấp ra thị trường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhận định không phải sản phẩm nào cũng cần công bố song nếu để đơn vị chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm thì rất rủi ro cho sức khỏe người dân. "Những sản phẩm ảnh hưởng sức khỏe như sữa cho trẻ, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm cần kiểm soát đặc biệt" - ông Cường nói.
Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, cho rằng việc kiểm soát chất lượng 3 nhóm thực phẩm nêu trên là cần thiết. Cần chia các nhóm thực phẩm để kiểm soát phù hợp.
Cấp phép bán thuốc lá
Nghị định 106/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Theo đó, kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải có giấy phép theo quy định. Thương nhân bán lẻ thuốc lá được mua từ thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép.