Chất lượng thực phẩm chế biến sẵn online: Khó kiểm soát, nhiều nguy cơ!
Thời gian cập nhật: 27/12/2019
Xu hướng mua thực phẩm chế biến sẵn qua mạng xã hội đang thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ. Loại hình mua bán này thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguyên liệu, phụ gia khó kiểm soát đến các điều kiện chế biến, bảo quản không bảo đảm vệ sinh…
Tự nhận là tín đồ của thực phẩm chế biến sẵn trên mạng xã hội, chị Lương Thu Hường, sống ở chung cư B5, Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: “Hơn 3 năm nay tôi thường xuyên đặt mua thức ăn chế biến sẵn qua mạng, tần suất ngày càng nhiều hơn; từ món ăn vặt đến bữa chính cho gia đình, bởi thực đơn rất phong phú, có các món truyền thống, đặc sản vùng miền...”. Theo chị Hường, phần lớn chị hài lòng về chất lượng sản phẩm, nhưng cũng không ít lần phiền lòng. Ví như có 2 lần mua phải bánh giò thiu và sữa tươi biến màu, chị Hường phản ánh với nơi bán, họ hứa sẽ xem xét và bồi thường. Tuy nhiên, thấy không tin tưởng nên chị đã bỏ qua không yêu cầu bồi thường, đồng thời hủy kết bạn với địa chỉ bán hàng đó.
Cũng như chị Hường, nhiều người mua thực phẩm chế biến sẵn qua mạng xã hội thường dễ bỏ qua khi gặp phải vấn đề về chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, có người còn cho rằng việc mua thực phẩm qua mạng cũng giống như mua ở gánh hàng rong, chợ cóc, chợ truyền thống... đều được lựa chọn từ cảm quan, niềm tin đặt vào “lương tâm của người bán”.
Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận mạng xã hội đã mang đến cơ hội phát triển kinh doanh cho nhiều người. Trên thực tế, đây là kênh bán hàng thứ hai của nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống trong khi họ vẫn có cửa hàng bán ở chợ, ở phố… nên khách hàng thường đã biết, thưởng thức ưng ý thì mới đặt mua qua mạng. Như trường hợp anh Hoàng Diệu có cửa hàng bún chả tại chợ Vạn Phúc, Hà Đông, hơn 2 năm nay, anh mở một địa chỉ Facebook để nhận đặt hàng qua mạng. Anh Diệu cho rằng, việc kết hợp bán trên Facebook, anh bán đắt hàng hơn nhiều.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hình thức kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn qua mạng tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm là rất cao, vì hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát. Do đó, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát; bao bì sử dụng có thể được mua trôi nổi trên thị trường là loại giấy, nhựa tái chế, không rõ xuất xứ… không được các cơ quan chức năng thẩm định, quản lý, cấp phép sử dụng.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, chưa có cơ sở nào kinh doanh dịch vụ ăn uống qua mạng xã hội gửi hồ sơ để chi cục thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế là việc khách hàng mua thức ăn, đồ uống qua mạng xã hội từ các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đang ngày càng phát triển”.
Ngoài nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh mạn tính không lây nhiễm như dạ dày, gan, thận… khi mua thực phẩm chín qua mạng xã hội còn là nguy cơ nhiễm vi sinh. Ông Trần Ngọc Tụ khuyến cáo người tiêu dùng hai vấn đề: Thứ nhất, sản phẩm phải được sản xuất, chế biến tại cơ sở có địa chỉ, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và thực hành vệ sinh an toàn, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng. Thứ hai, phương tiện, điều kiện, thời gian vận chuyển hàng phải bảo đảm an toàn thực phẩm, như thời gian nhanh, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp…
Theo quy định, bất kỳ cơ sở nào không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì không được phép sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn. Để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, khi mua thực phẩm chế biến sẵn qua mạng, người tiêu dùng cần thận trọng, không nên chỉ dựa vào hình ảnh quảng cáo, tránh “tiền mất, tật mang”