Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng kết quả đạt được của Ban quản lý an toàn thực phẩm trong năm qua chứng minh chủ trương của Thành ủy và UBND TP về việc thành lập ban này là đúng.
Đối với suất ăn của công nhân phải liên đới trách nhiệm giữa đơn vị cung cấp suất ăn và đơn vị đặt suất ăn. Có nhiều đơn vị đặt suất ăn không có trách nhiệm nên phần ăn của công nhân qua nhiều trung gian dẫn đến chất lượng bữa ăn thấp, không an toàn
Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN (trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HN)
Tạo được sự đồng thuận của xã hội
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, hoạt động chống thực phẩm bẩn, xây dựng chuỗi thực phẩm sạch của ban đã tạo được sự đồng thuận của sở ngành và của xã hội đối với công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến tất cả mọi người trong xã hội từ lúc sinh ra, liên quan đến tất cả các ngành, ảnh hưởng đến rất nhiều người từ chăn nuôi, người tiêu dùng đến Nhà nước..." - ông Tuyến nhận xét.
Vì vậy, theo ông Tuyến, để có thực phẩm an toàn là trách nhiệm của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến người dân.
Ông Tuyến đánh giá về quản lý nhà nước, việc ra đời của Ban quản lý an toàn thực phẩm đã khắc phục tình trạng nhiều sở, ngành cùng quản lý an toàn thực phẩm nhưng không ngành nào chịu trách nhiệm chính.
Ông Tuyến nhắn nhủ lãnh đạo ban cần quyết tâm hơn nữa và xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức trong ban.
Từ tháng 3-2017, ban được thí điểm thành lập và hoạt động trong thời hạn 3 năm với nhiệm vụ xuyên suốt là làm sao để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng ban, cho biết trong năm qua ban này đã thực hiện yêu cầu của TP đưa ra là kiện toàn bộ máy, xây dựng cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan và có kế hoạch hành động trong lĩnh vực bảo vệ an toàn thực phẩm.
Qua phối hợp, liên kết mới biết các quận, huyện gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Cụ thể, nhân lực mỏng, thiếu chuyên môn, kinh phí không có trong khi phải đối mặt với nhiều vấn đề: quản lý chợ truyền thống, thức ăn đường phố, suất ăn cho công nhân, bếp ăn cho học sinh, chợ tự phát... Từ những thực tế này, ban đã tìm cách tháo gỡ từng vấn đề.
Bữa ăn sạch cho học sinh và công nhân
Trong việc phối hợp với các sở, ngành về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Lan cho biết rất quan tâm đến an toàn thực phẩm cho học sinh và công nhân.
Năm 2018, ban sẽ đẩy mạnh việc nâng chuẩn các bếp ăn tập thể, thí điểm áp dụng bắt buộc các bếp ăn phải nhập hàng có nguồn gốc.
Cụ thể là đưa thực phẩm có nguồn gốc vào các bếp ăn trong trường học. Việc này sẽ thí điểm bắt buộc ở tất cả các trường trên địa bàn quận 3 và quận 5, các trường khác khuyến khích sử dụng thực phẩm có nguồn gốc.
Qua theo dõi, những gương điển hình thực hiện tốt sẽ được tuyên dương và truyền thông trên trang thông tin điện tử của ban. Các đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn sẽ được giới thiệu cho nhiều bếp ăn trường học khác.
Ngược lại, những bếp ăn không thực hiện đúng quy định hoặc các cơ sở cung cấp thực phẩm không an toàn cũng sẽ được nêu tên.
Đối với suất ăn của công nhân, ban đã ký kết quy chế phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động TP về việc cung cấp bữa ăn an toàn cho công nhân.
Bên cạnh đó, như mục tiêu ban đầu thành lập, ban sẽ kiên trì với mục tiêu phát triển chuỗi thực phẩm an toàn trong cộng đồng.
"Tại sao người nông dân mình sản xuất được thực phẩm an toàn mà người tiêu dùng nhìn đâu cũng lo thực phẩm bẩn? Vấn đề ở chỗ là xử lý vi phạm chưa nghiêm và thực phẩm sạch chưa có kênh đến được người tiêu dùng" - bà Lan khẳng định.
Với mục tiêu phát triển chuỗi thực phẩm an toàn trong cộng đồng, ban sẽ duy trì những hình thức phân phối thực phẩm sạch như phiên chợ tử tế, kết hợp với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đưa thực phẩm an toàn vào các hội chợ.
Đồng thời, ban cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý những cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất theo tin báo...