Tự tin với sản phẩm bưởi đỏ được chứng nhận VietGAP, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra các thị trường có tính chuyên nghiệp cao như hệ thống siêu thị tại Hà Nội, nhà phân phối bán lẻ có uy tín trên toàn quốc. Đây là các thị trường tiềm năng được HTX ưu tiên hướng đến chứ không lựa chọn cách bán buôn, bán đổ tại vườn cho tư thương như cách làm truyền thống mà nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn lựa chọn từ bấy lâu nay.
Chị Đỗ Thị Hương Giang, Phó Giám đốc HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc khẳng định: Chúng tôi ý thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề thương mại sản phẩm, chúng tôi càng quyết tâm giữ gìn và phát huy nhãn hiệu tập thể Bưởi đỏ Tân Lạc bằng cách tiếp tục thực hiện tốt các quy định sản xuất bưởi VietGAP để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, xác lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Được biết, quá trình thực hiện VietGAP trên bưởi đỏ Tân Lạc gắn liền với quá trình tư vấn hình thành nhóm hộ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch và in bao bì nhãn mác. Sau khi được trao chứng nhận VietGAP, các cơ quan chuyên môn của huyện Tân Lạc và nhóm nông dân VietGAP sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số mã vạch và in bao bì nhãn mác theo kế hoạch đã đề ra. Điều này đảm bảo cho sản phẩm sau khi được chứng nhận VietGAP sẽ có đủ các thông tin cần thiết để nhận diện trên thị trường, cũng là yếu tố để đảm bảo sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng một cách rõ ràng, minh bạch. Đây thực sự là chiếc "chìa khóa vàng” để nông sản địa phương tiếp cận những thị trường lớn, khai thác được nhiều cơ hội để tiếp tục vươn xa.
Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc trao đổi: Trong hành trình xây dựng bưởi đỏ Tân Lạc trở thành thương hiệu có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn, cùng với việc bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể từ cuối năm 2017, chứng nhận VietGAP được coi là cột mốc quan trọng giúp nâng tầm giá trị của thương hiệu sản phẩm. Đến nay, trong gần 1.000 ha bưởi đang được canh tác hiệu quả trên đất Tân Lạc, có khoảng 45 ha áp dụng quy trình VietGAP. Dự kiến trong năm 2018, huyện tiếp tục mở rộng diện tích này, phấn đấu đạt khoảng 200 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền và ngành chức năng, đồng thời phát huy nội lực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, tôi tin rằng huyện Tân Lạc sẽ đạt được kết quả này, từ đó tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn các giải pháp phát triển bền vững, an toàn cho bưởi đỏ Tân Lạc.
VietGAP (cụm từ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là "Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”, do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất. Chính vì vậy, có thể coi đây là "tấm thẻ” đáng tin cậy giúp nông dân đưa được sản phẩm của mình vào hệ thống siêu thị, những thị trường cao cấp và thực hiện mục tiêu xuất khẩu.