Mô hình kinh doanh
cửa hàng sạch truyền thống đã khá phổ biến, tuy nhiên để đa dạng các kênh bán hàng thì chủ các cửa hàng đã tận dụng mạng xã hội: facebook, zalo, instagram… như một kênh bán hàng đem lại hiệu quả cao. Chỉ cần “lướt” qua các trang web hay facebook chuyên bán thực phẩm an toàn, sạch, người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn món đồ thích hợp một cách nhanh chóng. Hầu hết, các mặt hàng này đều được cạnh tranh với chợ truyền thống bằng các sản phẩm hữu cơ được sản xuất với quy trình sạch, có tem truy xuất nguồn gốc,
tem chống hàng giả và có nguồn gốc rõ ràng
Anh Nguyễn Hoài Nam – chủ nhóm Hội đụng – thực phẩm an toàn trên facebook (hiện có hơn 4.300 thành viên theo dõi) chia sẻ, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao hơn, xu hướng người dùng online, sử dụng các dịch vụ trực tuyến ngày càng nhiều, vì thế lĩnh vực cung cấp thực phẩm và rau quả sạch online trở thành “miếng
bánh” rất tiềm năng. Ưu điểm của kinh doanh mặt hàng này trên mạng là tiết kiệm chi phí mặt bằng, có thể tận dụng chỗ ở, hoặc thuê cửa hàng ở trong ngõ giá rẻ.
“Ngoài ra, khi bán hàng trên mạng, sự tương tác giữa người bán và khách hàng gần nhau hơn. Khách hàng có thể phản hồi trực tiếp trên mạng về chất lượng và dịch vụ của sản phẩm mình đang mua. Đây là một thế mạnh của bán thực phẩm sạch online mà thực phẩm bán truyền thống tại các chợ hay cửa hàng không làm được” – anh Nam cho hay.
Ngoài những ưu điểm trên, thực phẩm được bán online tạo điều kiện khá thuận lợi cho người tiêu dùng. Chị Chu Diệu Hương (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) cho hay, chỗ làm khá xa nhà, nên phải đi sớm về muộn, không có nhiều thời gian đi mua sắm nên chị hay lựa chọn các trang bán hàng online để mua thực phẩm vì chỉ cần đặt hàng là họ có thể gửi đến tận nơi, khá thuận tiện. Đặc biệt, chị rất yên tâm khi mua các thực phẩm này vì đều được truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận chất lượng như VietGAP, GlobalGAP…
Theo đánh giá của bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng rau củ tươi sống, thủy, hải sản vốn trước đây là nhóm mặt hàng khó đưa lên kinh doanh online do thói quen mua trực tiếp của người tiêu dùng, thì nay đang gia tăng.
Không thể phủ nhận,
kinh doanh thực phẩm sạch đang là xu hướng “hot”, khi ý thức lựa chọn thực phẩm sạch đang ngày một trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp người dân. Tuy nhiên, việc kinh doanh mặt hàng này cũng gặp phải một số yếu tố không thật sự thuận lợi, như: Khó tìm được niềm tin của khách hàng khi không dễ để chứng minh sản phẩm của mình thực sự là “sạch”, và nhất là giá các loại thực phẩm sạch thường đắt hơn so với giá thực phẩm “thường”…
“Vậy nên để có tính chuyên nghiệp và đảm bảo uy tín, bạn nên đầu tư vào mở gian hàng trực tuyến, đầu tư chụp ảnh sản phẩm, ghi lại quy trình sản xuất sản phẩm sạch. Khách vào xem sẽ không hoang mang lo lắng vì đã được xem lại quy trình nuôi trồng một các chi tiết, chân thực”- anh Nam chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của một số chủ hàng online, khi kinh doanh mặt hàng này bắt buộc phải có sự hợp tác với các cơ quan chức năng để chứng thực yếu tố
vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài việc sản phẩm được dán tem chứng nhận chất lượng như: VietGAP, GlobalGAP, PGS… thì các giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng cấp đều phải được ở vị trí dễ thấy trong cửa hàng, cũng như đưa lên trang chủ của website.
Tuy nhiên, việc mua bán thực phẩm sạch online đến nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo bà Trần Thị Phương Lan, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ trên địa bàn, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”