- Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung (trưởng bộ môn Luật hành chính, Đại học Luật TP.HN):
Cần căn cứ số lượng đầu việc
Việc hợp nhất sở theo dự thảo nghị định không khéo sẽ cào bằng, gây rắc rối cho các địa phương trong tổ chức bộ máy. Để quyết định nhập sở cần có khảo sát kỹ lưỡng dựa trên số lượng dân cư, số lượng đầu việc quản lý, hiệu quả công việc của các sở.
Hiện nay đúng là có tình trạng trùng lắp, cắt khúc về việc thực hiện chức năng giữa các sở như Sở Kế hoạch và đầu tư - Sở Tài chính, Sở Xây dựng - Sở Giao thông vận tải...
Tuy nhiên, phải giải quyết đầu việc bị trùng lắp hoặc cắt khúc đó một cách hợp lý, phù hợp thực tiễn địa phương trên cơ sở bảo đảm hiệu quả quản lý. Ví dụ phân công rạch ròi cho các cơ quan nào giải quyết đầu việc đó.
Tùy đặc thù của từng địa phương mà yêu cầu bộ máy quản lý tương ứng chứ không thể cào bằng. Ví dụ nhiều tỉnh thành như TP.HN, Kiên Giang, Khánh Hòa... thu hút du lịch phát triển đã lập sở du lịch riêng để bảo đảm hiệu quả quản lý.
Còn TP.HN, trước đây đã từng có Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, sau đó lại tách du lịch ra để bảo đảm yêu cầu quản lý.
Mới đây, Ban an toàn vệ sinh thực phẩm TP vừa được thành lập hợp nhất các chức năng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ các sở như Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương.
Việc tách nhập các sở, cơ quan trên đều có cơ sở khoa học, thực tiễn và đều có sự chấp thuận của Bộ Nội vụ.
Trong khi nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên, dân số chỉ trên dưới 1 triệu người, số lượng đầu việc ít thì không cần nhiều sở như hiện nay.
Về mặt tổ chức bộ máy, theo tôi, để quyết định cơ cấu tổ chức bộ, ngành (ở trung ương) và sở, ngành (cấp tỉnh) cần có đánh giá chi tiết hơn, sâu hơn về cơ sở dân cư, số lượng đầu việc, nhóm lĩnh vực cần quản lý.
Căn cứ hiệu quả quản lý về nhóm lĩnh vực mà bố trí số lượng cơ quan phù hợp và linh hoạt ở cả từ trung ương cho đến địa phương chứ không cào bằng, cơ cấu “cứng” như hiện nay.
Theo tôi, Bộ Nội vụ cần có linh hoạt trong việc tinh gọn, hợp nhất các cơ quan cấp sở ở các tỉnh thành có dân số và số lượng công việc ít. Riêng TP.HN, Hà Nội và một số tỉnh thành phát triển khác thì tùy nhu cầu quản lý địa phương để quyết định bộ máy cấp sở.
- Tiến sĩ Lê Văn In (nguyên phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HN, nay là Học viện Cán bộ TP.HN):
Tinh gọn gắn với phân cấp triệt để
Cơ quan cấp sở là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND cấp tỉnh trong quản lý chính quyền địa phương. Về xu hướng là nên tinh gọn các sở có chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan, gắn liền với nhau, giảm bớt các cơ quan không cần thiết đi.
Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế ở địa phương để quyết định câu chuyện nhập sở. Hiện TP.HN có khoảng 13 triệu dân, khối lượng công việc phải giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn.
Trong khi các tỉnh, thành khác dân số ít hơn, mức độ phát triển nhỏ hơn nhiều, yêu cầu về nhập các sở có thể thực hiện được dễ dàng hơn. TP.HN là đô thị đặc biệt, có cơ chế đặc thù để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước.
Lưu ý là không nhất thiết trên trung ương có bộ nào thì dưới tỉnh có sở đó. Thực tế hiện nay, tổ chức bộ máy ở nước ta là như vậy. Điển hình như nhiều nước lớn, phát triển như Trung Quốc, Pháp, Mỹ cũng chỉ có 13-17 bộ vẫn bảo đảm hiệu lực quản lý.
Nước ta có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ là nhiều. Nếu cơ quan sở tinh gọn thì cấp bộ cũng phải tổ chức tinh gọn, thậm chí còn phải gọn hơn rất nhiều. Bởi mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của ta giống nhiều quốc gia khác đó là mô hình tháp.
Bộ máy ở trung ương phải gọn hơn, quản lý cấp vĩ mô. Bộ máy ở địa phương phải nhiều hơn, quản lý trực tiếp đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội địa phương.
Do đó, muốn nhập cơ quan sở, tinh gọn bộ máy nhà nước phải thực hiện triệt để việc phân cấp quản lý giữa trung ương với địa phương. Bên cạnh đó, phải tách bạch chức năng thực hiện dịch vụ hành chính cho các đơn vị sự nghiệp.
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện thuần chức năng quản lý. Hiện TP.HN đang thực hiện cải cách hành chính, áp dụng công nghệ tiên tiến, phân cấp mạnh cho chính quyền các cấp... Trong tương lai, việc hợp nhất các sở, tinh gọn bộ máy sẽ phải tính đến.
- Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên(Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HN): Hợp nhất phải hiệu quả hơn Để trả lời câu hỏi có nên hợp nhất các sở không thì phải có nghiên cứu và trả lời được những câu hỏi về năng lực làm việc của cán bộ, công chức và hiệu quả của việc sáp nhập sở. Hiện các sở đang quản lý đơn ngành thì cán bộ, nhân viên của sở có thừa năng lực hay không, họ đã làm việc hết công suất, hết khả năng của mình chưa? Nếu giải quyết hết những công việc được giao mà cán bộ, lãnh đạo sở vẫn còn thừa năng lực mới tổ chức ghép các sở lại với nhau, quản lý đa ngành để phát huy được năng lực của cán bộ, lãnh đạo sở, để họ làm việc hiệu quả hơn. Trường hợp như thấy công việc hiện tại đã chiếm hết năng lực của cán bộ sở rồi thì không nên hợp nhất, giao thêm việc. Câu hỏi thứ hai phải trả lời là hợp nhất sở thì có giảm được biên chế hay không? Đã có quy định mỗi sở có bao nhiêu phòng thì được bao nhiêu cấp phó... Nhưng từ trước đến nay vẫn có tình trạng các bộ phận ghép lại hay sở sáp nhập với nhau chỉ về cùng một chỗ, còn nhân sự thì bằng hai sở cộng lại. Như vậy, không giải quyết được vấn đề giảm biên chế. Nếu kết quả trả lời của hai câu hỏi trên là vì cán bộ ta đang thừa năng lực làm việc và hợp nhất sở giúp giảm được biên chế thì hãy ủng hộ việc hợp nhất. Còn ngược lại nên giữ nguyên. Dự thảo nghị định cho rằng hợp nhất để thông suốt, hiệu quả hơn nhưng không có lý giải vì sao. Quản lý đa ngành thì bao quát hơn nhưng bao quát mà không đạt được hiệu quả lại phản tác dụng. |