Tuy nhiên, đến nay, an toàn thực phẩm vẫn đang là một trong những nỗi lo lớn nhất của nông sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ vào thương mại toàn cầu. Cần làm gì để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về an toàn thực phẩm cho nông sản Việt? Báo NNVN đã trao đổi với TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT).
TS Nguyễn Thị Hồng Minh. |
Thưa bà, từ nhiều năm nay, ở nước ta đã xuất hiện và tồn tại khái niệm thực phẩm an toàn. Khái niệm này được sử dụng rộng rãi để phân biệt với thực phẩm không an toàn. Nhưng trong khi phân biệt thực phẩm an toàn với thực phẩm không an toàn, vô hình chung, chúng ta vẫn đang cho phép thực phẩm không an toàn, thực phẩm bẩn vẫn được tồn tại một cách công khai. Bởi đã là thực phẩm cho con người thì tất cả đều phải an toàn. Nếu tất cả thực phẩm đưa ra thị trường đều bắt buộc phải an toàn thì đâu cần phải phân biệt thực phẩm an toàn với thực phẩm không an toàn trên thị trường. Đây có phải là một nghịch lý lớn về an toàn thực phẩm ở nước ta, khi mà những nông dân sản xuất thực phẩm không an toàn vẫn đang tiêu thụ sản phẩm của mình một cách dễ dàng từ chợ quê tới chợ ở các đô thị. Thậm chí sản phẩm của họ vẫn lọt được vào siêu thị.
Quyền được an toàn về sức khỏe, tính mệnh là quyền của mọi công dân. Ở nhiều nước, nhất là ở những nước phát triển, thực phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường mặc nhiên được hiểu là thực phẩm an toàn. Chính quyền hiểu rằng “Bệnh từ miệng” nên tất cả những người sản xuất thực phẩm cho mục đích thương mại phải được quản lý và kiểm soát bằng nhiều cách, phương pháp, phương tiện khác nhau để bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân. Vì thực phẩm mặc nhiên là an toàn, nên mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng ở những nước đó là chất lượng, dinh dưỡng và độ tiện dụng. Khác với Việt Nam, nhà chế biến thực phẩm ở các nước giành mối quan tâm hàng đầu đến chất lượng và dinh dưỡng thực phẩm, thay vì lấy việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để quảng bá cho sản phẩm, họ quảng bá về chất lượng, hình thức và độ tiện dụng của sản phẩm.
Một bộ phận không nhỏ nông dân hiện vẫn chưa quan tâm tới các yêu cầu về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản. Điều này dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong trồng trọt, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi heo, gà, tôm, cá... hiện vẫn khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân được nêu ra để lý giải về thực trạng này như ý thức kém, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về an toàn thực phẩm, sản xuất nhỏ lẻ, chạy theo năng suất, lợi nhuận, sự dễ dãi của người tiêu dùng... Cần làm gì để nông dân có ý thức phải tuân thủ các yêu cầu an toàn thực phẩm, kể cả khi họ xác định rằng sản phẩm do mình làm ra chỉ tiêu thụ ở chợ quê gần nhà?
Chính phủ và các Bộ liên quan đã ban hành nhiều văn bản chính sách, quy định tiêu chuẩn an toàn vệ sinh cho thực phẩm, các qui định về kiểm tra giám sát… Tuy nhiên theo tôi có mấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Trước hết, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của Việt Nam khá thấp so với tiêu chuẩn của các nước. Ví dụ cụ thể là VietGAP của Việt Nam rất thấp so với GlobalGAP hay Tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm rất thấp so với Tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích và kiểm soát mối nguy). Tiêu chuẩn thấp là xuất phát từ nhận thức cho rằng nông dân Việt Nam chưa có khả năng thực hiện tiêu chuẩn tương đương quốc tế.
Thực tế hiện nay cho thấy nông dân và doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện các tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn quốc tế như Hữu cơ, GlobalGAP, HACCP… Ngày nay người ta cho rằng, thủy sản là ngành công nghiệp giàu có nên mới có điều kiện thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Nhưng hai mươi lăm năm trước, xuất phát điểm của doanh nghiệp thủy sản và người nuôi trồng thủy sản cùng một mặt bằng với các ngành hàng khác của nông nghiệp thời đó, vì cũng không biết gì về tiêu chuẩn, không biết gì về thị trường.
Ngày ấy, trong nhiều hội thảo, cuộc họp do Dự án Seaqip của Đan Mạch tài trợ để nâng cao nhận thức và khuyến khích thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, rất nhiều ý kiến băn khoăn về độ khó của GlobalGAP, HACCP…, về việc đầu tư để đạt chuẩn liệu có bán được hàng? Nhưng rồi, ngành thủy sản vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay, việc thực hiện các tiêu chuẩn và quy định an toàn thực phẩm của Chính phủ nước nhập khẩu trở thành việc đương nhiên. Thị trường luôn có những rào cản kỹ thuật mới nên doanh nghiệp luôn phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu và chuỗi bán lẻ. Ngoài tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, họ yêu cầu thực hiện tiêu chuẩn của các tổ chức độc lập về môi trường, bảo vệ nguồn lợi, trách nhiệm xã hội như ASC, MSC, BAP, SA8000…
Trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều nước đã thay đổi nhanh chóng các quy định phải đáp ứng khi nhập khẩu, yêu cầu truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc, EU… Nông dân ở nhiều địa phương ở nước ta, ngay cả đồng bào dân tộc cũng đã thực hiện được truy xuất nguồn gốc điện tử. |
Thực tế cho chúng ta mấy kinh nghiệm sau. Thứ nhất, cần có quy định thời hạn bắt buộc áp dụng việc thực hiện các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… đối với tất cả những nhà sản xuất thực phẩm cho mục đích thương mại. Song song với việc quy định là triển khai các khóa đào tạo về tiêu chuẩn cho nhà sản xuất, riêng với nông dân cần hỗ trợ đào tạo miễn phí.
Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện sau thời hạn bắt buộc áp dụng. Nếu đối với xuất, nhập khẩu, việc kiểm soát khá dễ dàng vì hàng phải qua cửa khẩu thì đối với thị trường nội địa, việc kiểm tra giám sát còn thể hiện lúng túng, hoặc rất hình thức. Kinh nghiệm nhiều nước là họ kiểm tra rất chặt ở các chợ đầu mối, khâu đầu của chuỗi tiêu thụ. Sản phẩm vào chợ phải đạt tiêu chuẩn, thương nhân hoạt động trong chợ, kể cả mua và bán, phải đăng ký chính thức, phải học qua các khóa đào tạo về an toàn thực phẩm và chịu sự kiểm tra giám sát của thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi đã đến một chợ cá lớn ở một nước Bắc Âu. Ở đó, mọi người đều phải đăng ký hoạt động thương mại tại chợ, ra vào chợ đều phải có thẻ.
Riêng đối với nông dân sản xuất nhỏ, cần cung cấp các khóa đào tạo miễn phí đồng thời hỗ trợ tín dụng để giúp họ vượt qua giai đoạn chuyển đổi. Trong giai đoạn chuyển đổi, họ phải thay đổi, tổ chức lại, vượt qua khó khăn do sản phẩm chưa có chứng nhận, chưa có niềm tin trên thị trường. Theo tôi biết, ở Thái Lan, Bộ Nông nghiệp đã ban hành tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ nông dân nhỏ thực hiện truy xuất nguồn gốc miễn phí.
Thực phẩm chợ truyền thống chưa được kiểm soát tốt. |
Người tiêu dùng Việt Nam nhìn chung còn khá dễ dãi, sẵn sàng mua những nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng, không có chứng nhận an toàn thực phẩm, được bày bán ở những nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều nông dân vẫn chưa tuân thủ các yêu cầu an toàn thực phẩm trong sản xuất. Nếu ý thức của người tiêu dùng được nâng cao, được thay đổi theo hướng luôn quan tâm tới an toàn thực phẩm, sẽ tác động thế nào đến sản xuất của người nông dân?
Chắc chắn nếu thói quen, tập quán tiêu dùng của người Việt Nam thay đổi thì sẽ tác động rất lớn, làm thay đổi nhà sản xuất, buộc họ phải thực hiện các quy định an toàn thực phẩm, công khai minh bạch thông tin.
Người tiêu dùng Việt Nam nói chung trọng tình hơn trọng lý. Người này bảo người kia, có chị hàng xóm/người bạn làm chả lụa ngon, thì gửi nhau mua cho bằng được, không cần biết trước khi sản phẩm ra thị trường, nhà sản xuất đã tác động thế nào đến sản phẩm, có sử dụng phẩm màu, hàn the, chất bảo quản? Những chất này có trong danh mục cho phép?
Quan sát tại các chợ, siêu thị dễ dàng nhận thấy rất ít người đọc thông tin trên bao bì. Mặc dù trên bao bì có mã QR, nhưng không thấy ai quyét mã để tìm thông tin về sản phẩm. Hiện có một số chợ thực phẩm an toàn do một số hiệp hội, sở nông nghiệp tổ chức, nhưng rau củ quả bày bán hầu như không có nhãn mác, bao bì, không có mã truy xuất nguồn gốc.
Một thói quen khác của người tiêu dùng là thích sản phẩm tươi, sống, nhìn tận mắt, sờ tận tay mới yên tâm. Cá phải còn vẫy đuôi, thịt heo, gà phải còn ấm nóng… Vì sao người tiêu dùng châu Âu, Mỹ thường tiêu dùng thực phẩm đông lạnh mà họ vẫn an toàn? Tôi đã từng đặt câu hỏi trong một hội thảo về cá tra tại Hà nội “Giữa con cá tra nguyên con ướp đá và một gói cá tra file đông lạnh, bạn sẽ chọn mua cái nào?”. Hầu hết những người trong khán phòng đều chọn mua nguyên con cá. Nguyên con cá, gia đình bạn sử dụng hết không? Nếu không hết thì làm gì với phần còn lại? Câu trả lời là để trữ vào ngăn đá tủ đông. Nhiệt độ ngăn đá tủ đông -18oC là nhiệt độ đông chậm, mà thực phẩm đông chậm thì khi rã đông, thực phẩm mất nhiều dinh dưỡng. Chưa kể thời tiết Việt Nam nóng ẩm, cá tra “tươi” đến được người tiêu dùng Hà Nội phải trải qua đoạn đường hàng nghìn km, không ai biết chắc nó được bảo quản có đúng cách không. |
Việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng để người tiêu dùng tự bảo vệ mình là rất cần thiết. Cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ để tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp, các chương trình tọa đàm trên truyền hình, trên mạng xã hội…
Việt Nam đã lọt vào top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch khoảng 40 tỷ USD năm 2018. Nhưng an toàn thực phẩm vẫn đang là nỗi lo lớn nhất của nông sản Việt Nam, nhất là khi các thị trường nhập khẩu ngày càng tăng cường các biện pháp kiểm soát về chất lượng đối với nông sản nhập khẩu. Ngay cả thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam là Trung Quốc, cũng đã không còn là thị trường dễ tính khi nước này đã siết chặt nhập khẩu biên mậu, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu như về kim ngạch xuất khẩu nông sản, Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới, thì theo bà, xét ở khía cạnh chất lượng và an toàn thực phẩm, nông sản Việt đang đứng ở đâu?
Để xếp hạng cần dựa vào tiêu chí thông qua các tổ chức đánh giá độc lập. Tôi không biết đã có ai xếp hạng an toàn vệ sinh của các quốc gia chưa. Cá nhân tôi, hoạt động trong lĩnh vực này nhiều năm, tôi cho rằng Việt Nam không thể ở thứ hạng cao như xếp hạng về kim ngạch xuất khẩu nông sản vì thực phẩm xuất khẩu chắc chắn phải đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhưng đối với mức độ an toàn vệ sinh của thực phẩm nội địa, có lẽ chỉ ở mức trung bình thấp.
Để đánh giá đúng, tôi mong rằng Chính phủ nên định kỳ triển khai các đợt lấy mẫu thực phẩm trên thị trường để kiểm tra mức độ an toàn thực phẩm mà người dân tiêu dùng. Nhưng để khách quan, cần đấu thầu việc lấy mẫu kiểm tra thông qua bên thứ ba độc lập. Việc bán giấy chứng nhận, bán kết quả kiểm nghiệm hiện nay không còn là cá biệt, nên người dân sẽ không tin nếu cơ quan chính quyền chi tiền, chỉ định đơn vị lấy mẫu, chỉ định phòng thí nghiệm để phân tích.
Việt Nam đã ký kết, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do rất quan trọng, mà mới đây nhất là CPTPP và EVFTA. Đây là cơ hội lớn để nông sản Việt Nam thâm nhập mạnh hơn nữa vào các thị trường lớn. Tuy nhiên, khi cắt giảm, bãi bỏ thuế nhập khẩu từ Việt Nam, chắc chắn, các thị trường đã và sẽ ký FTA với ta, sẽ tăng cường hàng rào kỹ thuật, trong đó có an toàn thực phẩm. Với thực trạng sản xuất và an toàn thực phẩm như hiện nay, liệu nông sản Việt Nam có vượt qua được những hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe để tận dụng được những ưu đãi về thuế ở các thị trường đã ký FTA và thâm nhập được vào các thị trường khó tính khác?
Chắc chắn các nhà sản xuất sẽ phải vượt qua và vượt qua được. Nhiều nông sản Việt Nam đã xuất khẩu từ trước khi các Hiệp định CPTPP và EVFTA được ký kết. Nhưng các doanh nghiệp cần luôn luôn sẵn sàng thay đổi, bởi hàng rào kỹ thuật không bao giờ dừng lại. Bên cạnh mục đích an toàn thực phẩm, nó còn được sử dụng để bảo hộ sản xuất trong nước. Chưa kể đến sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mà nhờ đó, nhiều chất trước đây được coi là an toàn, nay được phát hiện là không an toàn. Doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ xu thế sử dụng kỹ thuật số để kiểm tra giám sát quá trình sản xuất ngày càng phổ biến. Sử dụng kỹ thuật số trong quản lý đã làm cho việc truy xuất nguồn gốc bằng tay (ghi trên giấy) trở nên không còn được tin cậy.
Nhiều ý kiến cho rằng, đến nay, chúng ta vẫn còn nhiều lúng túng, loay hoay trong quản lý về an toàn thực phẩm. Theo bà, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới sự lúng túng, loay hoay này? Cần thay đổi cách quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm như thế nào để không còn lúng túng, loay hoay nữa, và quan trọng hơn là tạo được sự chuyển biến rõ rệt về an toàn thực phẩm ở nước ta?
Tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính của sự lúng túng, loay hoay là: Tư duy “ôm đồm” của cơ quan quản lý, ngại thay đổi và không xác định rõ những khâu quan trọng, mấu chốt làm thực phẩm mất an toàn trong chuỗi thực phẩm.
Sự tham gia của ba bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên thực tế rất chồng chéo nhau, không những lãng phí nguồn lực nhà nước, mà còn làm cho doanh nghiệp, người sản xuất có nhiều khi “một cổ mấy tròng”. Trong khi đó, thương lái - một mắt xích quan trọng lại hầu như đứng ngoài sự kiểm soát, nên trên thực tế quản lý an toàn vệ sinh ở nước ta rất không hiệu quả.
Sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của hàng triệu hộ sản xuất, qui mô nhỏ, rải rác ở nhiều địa bàn, khí hậu Việt Nam nóng ẩm, sản phẩm tươi sống mau ươn, chóng thối... Vì thế, sự có mặt của hệ thống thương lái là một tất yếu. Nhưng thương lái đồng thời cũng là tác nhân quan trọng làm thực phẩm mất an toàn. Bơm chích tạp chất trong tôm, bơm nước vào heo, gà, ngâm tẩm để trái cây mau chín, để tăng trọng… hầu như xảy ra ở khâu trung gian là thương lái.
Chuỗi sản xuất là một dòng chảy liên tục, trong đó có nhiều điểm rủi ro cao, làm sao có thể bộ này chỉ quản lý an toàn vệ sinh trong khâu sản xuất và bán buôn, còn bộ kia chỉ quản lý an toàn vệ sinh trong lưu thông bán lẻ trên thị trường?
Ngoài ra, phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản… đã trở thành những thứ không thể thiếu trong sản xuất nông sản, thực phẩm. Đây là thị trường rất béo bở, chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Họ có hệ thống đại lý phân phối rộng khắp các vùng nông thôn. Đại lý phân thuốc đồng thời là người hướng dẫn nông dân mua phân thuốc. Trong ba bộ trên, bộ nào có trách nhiệm quản lý việc chấp hành các qui định an toàn thực phẩm của hệ thống thương lái, của các doanh nghiệp sản xuất phân, thuốc? Hai nhóm này sẽ tham gia thế nào vào hệ thống truy xuất nguồn gốc trên nền tảng kỹ thuật số?
Ở Trung ương đã vậy, việc phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương còn rối hơn. Có thể nói có không ít lỗ hổng nữa không thể kể hết trong phạm vi một bài báo. Do đó, cần có một cơ quan thống nhất quản lý an toàn thực phẩm. Chính phủ Hà Lan đã một lần cử một đoàn cán bộ sang tổ chức Hội thảo về kinh nghiệm tổ chức hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở Hà Lan. Họ đã mất 10 năm để sát nhập từ các Bộ vào một cơ quan thống nhất quản lý an toàn thực phẩm và hiện quản lý rất hiệu quả. |
Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, nhu cầu tiêu dùng tăng do áp lực của gia tăng dân số làm cho sản lượng hàng hóa ngày càng lớn, kỹ năng biến hóa trong công nghệ ngày càng tinh vi. Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cần được chia sẻ cho xã hội, cho các bên thứ ba độc lập mà trong đó các hội, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức cộng đồng là những đơn vị thích hợp tham gia quản lý an toàn thực phẩm.
Ở nhiều nước, để bảo vệ uy tín của sản phẩm, hội ngành hàng trực tiếp kiểm soát việc tuân thủ qui trình sản xuất, việc sử dụng các chất trong sản xuất, việc minh bạch thông tin, hơn ai hết họ biết rõ mọi mánh khóe gian lận nên khó qua mặt họ. Nếu hội ngành hàng nào cũng làm được như vậy thì gánh nặng cho cơ quan quản lý sẽ nhẹ đi rất nhiều. Để các hội làm được việc này cần có sự thay đổi về pháp luật, chính sách, mà trước hết là từ bỏ tư duy “ôm đồm”.
Ngại thay đổi có nhiều lý do, nhưng trong đó lý do dễ thấy nhất là không thích chia sẻ quyền lực.
Theo tôi, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là ban hành luật, quy định; hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện. Kiểm tra, giám sát thực hiện có thể bằng nhiều cách, bằng quyền lực nhà nước, quyền lực thị trường, quyền lực của các cộng đồng, tổ chức cộng đồng. Cụ thể hóa những điểm trên theo những nguyên tắc và chuẩn mực trong sự liên kết, phối hợp giữa các bên thì mới có thể đạt hiệu quả trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về việc không xác định đúng khâu nguy cơ, Đạo luật FSMA (Food Safety Modernization Act – Đạo luật hiện đại hóa ATTP của Hoa Kỳ) bắt buộc các cơ sở thực phẩm phải thực hiện HARPC (Hazard Analysis and Risk-Based Preventive Controls), có nghĩa là Phân tích mối nguy và Kiểm soát phòng ngừa dựa trên rủi ro. HARPC bao gồm cả các mối nguy về ATTP ngoài các điểm kiểm soát tới hạn được xác định theo HACCP (phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn).
Cách tiếp cận phân tích nguy cơ là cách tiếp cận phổ biến trên thế giới, nó không chỉ áp dụng trong một doanh nghiệp, một chuỗi sản xuất mà nó cần được áp dụng trên bình diện một ngành sản xuất, một quốc gia để kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm, đảm bảo quyền của mọi người dân được tiêu dùng an toàn.
Xin cảm ơn bà!