Bảo vệ bản quyền nghệ thuật: Đừng chỉ kêu mà hãy hành động!

Thời gian cập nhật: 27/12/2019

Sau hàng loạt vụ vi phạm bản quyền xảy ra trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ phim ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thời trang cho đến sân khấu biểu diễn, vừa qua, hàng loạt nghệ sĩ Việt đã cùng nhau trao đổi đưa ra các phương thức bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm nghệ thuật.

“Nóng” vấn đề bản quyền

Gần đây, sau những ồn ào xung quanh vụ kiện bản quyền vở thực cảnh "Ngày xưa" giữa Công ty CP Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú hay vụ tranh chấp bản quyền "Thần đồng đất Việt" giữa hoạ sĩ Linh Lê và Công ty Phan Thị, dường như nhiều nghệ sĩ đã quan tâm và tìm cách bảo vệ tài sản sáng tạo của mình hơn.

Trước đó, chỉ riêng trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam, vấn đề vi phạm bản quyền luôn “nóng” khi có nhiều vụ việc tranh chấp xảy ra.

Vụ tranh chấp bản quyền vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” (tên gọi khác Thuở ấy xứ Đoài) của đạo diễn Việt Tú và vở “Tinh hoa Bắc Bộ” của Công ty CP Tuần Châu đã khiến các nghệ sĩ quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cách đây không lâu, 40 nhạc sĩ ở Việt Nam đã lên tiếng tố Công ty Sky Music (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) vi phạm bản quyền gần 2.000 tác phẩm của khoảng 200 nhạc sĩ. Theo các nhạc sĩ, Công ty Sky Music đã lấy dữ liệu từ một website nghe nhạc trực tuyến là đối tác của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC), tuyên bố sở hữu quyền tác giả và tự ý làm việc với nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, thu tiền bản quyền nhưng không trả cho tác giả. Các nhạc sĩ đồng loạt lên tiếng và khẳng định sẽ khởi kiện công ty này nếu tiếp tục sai phạm. 

Trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiều vụ việc vi phạm bản quyền ngang nhiên thời qua cũng khiến nhiều người làm nghệ thuật lo lắng. Đáng chú ý là vụ việc bộ sưu tập tranh của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh hồi năm 2016, khiến giới nghệ sĩ “sục sôi” khi những chứng cứ đều khẳng định đây là tranh giả. Vụ việc khiến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) phải sốt sắng vào cuộc thẩm định. Nhưng cái đích cuối cùng là xử lý với những bức tranh giả như thế nào lại vẫn rơi vào im lặng.

Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” gây rúng động giới mỹ thuật khi 17 tác phẩm triển lãm được xác định là tranh giả.

Theo nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, tình trạng chép tranh, tranh giả, tranh nhái, thậm chí là “đạo tranh” đang là vấn đề nhức nhối nhất trong giới mỹ thuật. Dù vậy, đến nay, gần như các vụ việc vẫn chỉ ở mức “kêu cứu” chứ chưa có một vụ việc được xử lý “ra ngô ra khoai”. Các cơ quan chức năng vẫn thiếu sự giám sát cũng như chưa có các chế tài quản lý một cách chặt chẽ, mạnh mẽ để xử lý nghiêm những vụ vi phạm này.

Trong lĩnh vực điện ảnh, chỉ riêng việc sao chép, in đĩa lậu, đang trở thành vấn nạn mà nhiều nhà sản xuất đau đầu, lo lắng. Đạo diễn Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhiều bộ phim do anh thực hiện, mà điển hình như “Cha cõng con”, vừa ra rạp đã bị quay lén, sao chép. Ngô Thanh Vân cũng từng lên tiếng quyết liệt khi “đứa con tinh thần” - “Cô ba Sài Gòn” bị khán giả livestream khi xem phim tại rạp. 

Quyết liệt bằng hành động

Vừa qua, tại Trung tâm Hoa Kỳ (170 Ngọc Khánh - Hà Nội) đã diễn ra talkshow “Bảo vệ tài sản sáng tạo” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt Nam như: NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, đạo diễn Việt Tú, ca sĩ Bảo Trâm, cây guitar Trần Tuấn Hùng, họa sĩ Đinh Công Đạt, cùng các luật sư.
 
Các nghệ sĩ tham gia buổi nói chuyện về bản quyền trong lĩnh vực nghệ thuật.

Talkshow này là sự chia sẻ về quá trình sáng tạo nghệ thuật, việc ứng dụng công nghệ trong thời 4.0 lên các sản phẩm sáng tạo dành cho lĩnh vực giải trí, các hậu quả tác động tới đời sống nếu như quyền sở hữu trí tuệ không được tôn trọng.

Chia sẻ tại buổi nói chuyện, đạo diễn Việt Tú cho biết, nghệ sĩ thường gặp nhiều rủi ro trong quá trình bảo vệ tác phẩm. Với kinh nghiệm cá nhân sau khi theo đuổi vụ kiện bản quyền chương trình thực cảnh “Ngày xưa”, đạo diễn Việt Tú cho rằng, việc kiện tụng đòi quyền lợi thường diễn ra rất dai dẳng và tốn kém, để tránh tranh chấp không mong muốn, các nghệ sĩ nên lưu trữ cẩn thận trong quá trình sáng tác, phải thấu hiểu về luật và tiến hành đăng ký bản quyền sản phẩm do mình sáng tạo.

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ về việc bảo vệ bản quyền đối với các sản phẩm nghệ thuật.

“Tôi được biết câu chuyện một diễn viên phụ ở Hollywood, vào một ngày bỗng được chuyển vào tài khoản của mình 10.000 USD. Đó là lợi ích từ bộ phim mà nhà sản xuất phải chia cho những người liên quan tới bộ phim đó. Ở nước ngoài, vấn đề sở hữu trí tuệ được thực hiện rất bài bản và rõ ràng, nhưng ở Việt Nam, vấn đề này lại khá nhập nhèm. Đấy là lý do tôi ý thức về quyền và tài sản trí tuệ cần phải được bảo hộ, và tôi luôn có ý thức đi đăng ký bản quyền những sản phẩm do mình thực hiện”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ.

Về việc thực hiện bản quyền tại Việt Nam, luật sư Quách Minh Trí đưa ra lời khuyên, những chủ thể sáng tạo hãy tự bảo vệ trước khi nhờ đến pháp luật bảo vệ mình. Cụ thể, các chủ thể sáng tạo cần tuyên bố sở hữu đối với những sản phẩm của mình, tức là đi đăng ký bản quyền tác giả ngay khi ra mắt công chúng. “Tôi đồng ý với giải pháp, chúng ta cần có những hiệp hội và Nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ những hiệp hội bảo vệ quyền tác giả ở các lĩnh vực. Hiện nay, trong âm nhạc đã có Trung tâm VCPMC đứng ra bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho các tác giả Việt Nam. Hy vọng, ở những lĩnh vực khác cũng có những tổ chức, hiệp hội như vậy, và hoạt động hiệu quả hơn”, luật sư Quách Minh Trí bày tỏ.

Về vấn đề này, bà Phạm Ngọc Mai Anh, chuyên gia truyền thông cho rằng, thực tế hiện nay, khái niệm “xài chùa” đã ăn vào tiềm thức của nhiều người, khiến cho việc vi phạm bản quyền xảy ra liên tiếp trong nhiều lĩnh vực. Điều này hơn bao giờ hết phải được cảnh báo và thức tỉnh ý thức cho các công dân, không chỉ bằng việc tuyên truyền hệ thống pháp lý mà còn cần đến các biện pháp xử lý cứng rắn và cương quyết hơn. 

Hiện nay, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, từ luật đến nghị định, thông tư; trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018, đã bổ sung một số nội dung mới về quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều công ước quốc tế đa phương và song phương về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, như: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Brussel về việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng…

Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam từ lâu đã trong tình trạng đáng báo động. Hy vọng, với sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn của không chỉ cơ quan quản lý mà cả những cộng đồng nghệ sĩ, nhà sản xuất trong các lĩnh vực thì vấn đề này sẽ tháo được nút thắt. Nghệ sĩ và người dân sẽ có thêm kiến thức, ý thức hơn trong việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng bản quyền trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật

CÁC TIN BÀI KHÁC

Khách hàng của chúng tôi
MIXUE
PIZZA HUT
Phô Mai Monzelez Kinh Đô
TH
Coca Cola
Vissan
KYSI
RISEN
pizza4ps
Khách hàng 0
Hao Chi
Maza
supercleangloves
Khách hàng 2
Tràng An
ĐẠI HƯNG
Khách hàng 3
Khách hàng 4
Royal
GREEN FARMING
Ngôi Sao
MỸ CHÂU
The World
HƯNG THỊNH PHÁT
Thiện Bình
Thinh Long
HẢI HÀ
An Lanh
Danameco
HANVICO
BIỂN ĐÔNG
Khách hàng 1
Các tổ chức liên kết nhận chứng nhận
TQC
EMERGO
I3C
SGS
TÜV SÜD South Asia
PQI
BSI
UNICERT
BV
INTERTEK
UASL
0904.699.600