Không chỉ có Thần đồng Đất Việt, không ít vụ kiện lớn về quyền tác giả kéo dài nhiều năm chưa được tòa án giải quyết. Chẳng hạn như vụ Trường Doanh nhân Dale Carnegie kiện một chuyên gia lấy chương trình của mình để giảng dạy vẫn “dây dưa” hơn bốn năm nay. Tranh cãi quanh vụ phát trực tiếp (livestream) trái phép phim Cô Ba Sài Gòn đã được Luật sư phân tích khá sâu trên Diễn đàn Doanh nghiệp. Nhưng sau rất nhiều lời bàn của các luật sư thì đến nay nhiều vụ việc chưa được giải quyết thỏa đáng…
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra Hiệp định TRIPS về Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định các thành viên phải tuân thủ các chuẩn mực bảo vệ Quyền tác giả của Công ước Berne. Việt Nam là một thành viên của WTO, nhưng lại đưa ra hệ thống các điều luật về Quyền tác giả còn có nhiều sai sót so với chuẩn mực tối thiểu nói trên. Thậm chí luật của chúng ta không có quy định về những quyền cơ bản nhất như: “Quyền được công nhận tác giả”, “Quyền suy đoán là tác giả”…
Trong một cuộc thảo luận về vấn đề quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, GS-TS Nguyễn Vân Nam, Thạc sĩ Luật Sở hữu trí tuệ và Luật cạnh tranh tại Đức đã phải bức xúc “những bất cập trong Luật về Quyền tác giả của Việt Nam khiến cho tòa án lẫn các luật sư lúng túng, không biết căn cứ vào đâu để phân xử. Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Luật về Quyền tác giả của Việt Nam có quá nhiều sai lệch, thiếu sót so với chuẩn mực chung của thế giới”.
Ông Nam đặt câu hỏi: Nếu người tạo ra sản phẩm không có “Quyền được công nhận là tác giả” thì làm gì có chuyện “đạo” tác phẩm? Ngay cả đến định nghĩa thế nào là “tác phẩm” của Luật Sở hữu trí tuệ cũng rất sơ sài, thiếu hẳn các yêu tố cấu thành làm nên một tác phẩm được bảo hộ là sáng tạo tinh thần và dấu ấn cá nhân.
Mục 2, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ 2013 quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.
Công ước Bern định nghĩa “tác phẩm” là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân, trong khi đó Việt Nam định nghĩa tác phẩm chỉ là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Điều vô cùng quan trọng đối với một tác phẩm chính là “dấu ấn cá nhân”, Luật Việt Nam lại không nói đến nên chúng ta cũng không có cơ sở phân biệt tác phẩm nguồn và tác phẩm phát sinh.
Đơn cử như vậy, nếu tác phẩm đó được lấy lại trên facebook như việc đăng lại phim Cô Ba Sài Gòn trên trang cá nhân sẽ được tính là vi phạm quyền tác giả hay không? Bởi một bài viết trên mạng xã hội có thể gọi là “tác phẩm” và được bảo hộ theo Luật Việt Nam, nhưng với công ước Bern thì… chưa chắc. Nên theo luật quốc tế, phần lớn các phát ngôn trên mạng xã hội đều có thể sử dụng tự do để đáp ứng mối quan tâm của cộng đồng, xã hội. Còn căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, tất cả các bài viết trên mạng xã hội đều được hưởng bảo hộ quyền tác giả. Theo đó, bất cứ ai bị người khác sử dụng bài viết của mình trên mạng xã hội, đều có thể khởi kiện hoặc dọa khởi kiện.
Những thiếu sót, không rõ ràng trong Luật về Quyền tác giả dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế – xã hội Việt Nam, mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là các tác giả và người tiêu dùng Việt Nam.
Bởi vì quyền tác giả chính là một động lực quan trọng thúc đẩy sáng tạo. Bảo hộ tốt quyền tác giả là bảo đảm điều kiện cho sáng tạo, bảo đảm cho sự giữ gìn và khai thác tốt nhất sản phẩm sáng tạo tinh thần vì sự phát triển của một quốc gia. Bảo hộ không tốt quyền tác giả sẽ hạn chế khả năng được tiếp cận, sử dụng công nghệ, các ứng dụng mới của doanh nghiệp, của người dân, đặc biệt là không khuyến khích được các doanh nghiệp, cá nhân trong nước sáng tạo các ứng dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước. Mặt khác, điều này cũng gây khó khăn cho người dân trong việc thụ hưởng các sản phẩm văn hóa tốt đẹp của nước ngoài. Chẳng hạn như tình trạng dân “mê” bóng đá không được xem giải ngoại hạng Anh, hay các nhà xuất bản phải trả phí cao hơn, thậm chí không mua được quyền nhân bản và phổ biến tác phẩm nước ngoài có giá trị như thời gian gần đây.
“ Quyền tác giả có ngay khi tác phẩm được hình thành, không cần phải được một cơ quan công quyền nào xem xét và công nhận cả. Vì vậy, việc xin chứng nhận Quyền tác giả ở Cục Tác quyền là không cần thiết…”, ông Nguyễn Vân Nam khẳng định. “Tôi đặc biệt lưu ý về tình trạng “ném đá” vô tội vạ trên mạng xã hội. Vì luật còn nhiều bất cập nên việc lên án một người nào đó “đạo” tác phẩm phải căn cứ vào luật. Trong trường hợp luật chưa thật cụ thể, chính xác để phân định có vi phạm hay không, thì phải sửa đổi luật ngay”.
Chính vì vậy, khi phân tích về vụ kiện “Cô ba Sài Gòn” trên Diễn đàn doanh nghiệp, Luật sư Đậu Thị Quyên - Giám đốc điều hành Trung tâm quản trị tài sản trí tuệ VN (VIPMAC) khẳng định: Việt Nam sẽ không thể đi một con đường dài, nếu như ngành công nghiệp sáng tạo không được đầu tư phát triển. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế đa phương, song phương về sở hữu trí tuệ như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)… đã từng bước thiết lập luật chơi với quốc tế. Nhưng điều đó cần được thực thi nhằm tạo một tiền đề vững chắc cho ngành công nghiệp sáng tạo phát triển và đóng góp vào sự đi lên của kinh tế nước nhà.
Trở lại chuyện của "Thần đồng Đất Việt", chúng ta đành chờ đến 1/2 (tức 27 tết Kỷ Hợi) để biết kết quả sau 12 năm tranh chấp.
Bản chất của vụ kiện Thần Đồng Đất Việt Trả lời Zing.vn, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HN, Trưởng Văn phòng luật Phan Law Vietnam, cho rằng trong vụ kiện này, điều mà mọi người cần quan tâm và bàn luận là bản chất của vụ kiện này là gì. Theo thông tin từ Lê Linh, họa sĩ này đồng khởi kiện bà Phan Thị Mỹ Hạnh và Công ty Phan Thị, đề nghị xác định ông là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt; yêu cầu Phan Thị không sáng tác các biến thể khác dựa trên các nhân vật của bộ truyện này. Tuy nhiên, thông tin chính thức từ Tòa án thì chưa ai được tiếp cận. Phó chủ tịch Hội SHTT cho biết bản chất việc đòi quyền nhân thân trong việc đồng tác giả là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu tranh chấp về tác giả thì chỉ nên xoáy vào việc duy nhất là sáng tạo cái gì? Phần sáng tạo đó có được các bên thừa nhận với nhau hay không? Theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, trong quyền tác giả có 2 chủ thể: Chủ thể thứ nhất là tác giả, còn chủ thể thứ hai là chủ sở hữu quyền tác giả. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Còn chủ sở hữu quyền tác giả là người đầu tư tài chính, vật chất và trả tiền cho tác giả để tạo ra tác phẩm. Theo thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo, giảng viên môn Luật Dân sự trường Đại học Luật TP.HN, Công ty Phan Thị đã trả tiền cho họa sĩ Lê Linh để làm bộ truyện này; do vậy Công ty Phan Thị được xem là chủ sở hữu quyền tác giả. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 22 năm 2018 quy định một số biện pháp Luật Sở hữu trí tuệ năm 2015, đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. "Quá trình sáng tác chỉ có những người trong cuộc mới biết thực hư ra sao. Người nào là tác giả? Người nào tham gia vào quá trình sáng tạo? Tham gia vào bao nhiêu phần trăm? Tất nhiên, việc chứng minh này không hề dễ", Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HN bày tỏ. |