Thế giới hiện đang chứng kiến sự phát triển không ngừng của máy móc, không phải với vai trò khám phá, mà với vai trò là người sáng tạo.
Tháng 4/2017, kỹ sư Alex Reben đã đăng lên YouTube video “Deeply Artificial Trees (Cây nhân tạo)”, một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bằng học máy, sử dụng các video của chương trình truyền hình dạy vẽ Joy of Painting trong những năm 1980 và 1990. Video này có những âm thanh vô nghĩa mô phỏng cách nói và giọng điệu của Bob Ross, người dẫn chương trình. Sau đó, người kế thừa quyền sở hữu trí tuệ của Bob Ross không hài lòng, đã yêu cầu DMCA (tổ chức bảo vệ bản quyền tác giả) gỡ video này xuống, và phải cho đến gần đây video mới được đăng lại.
Vậy câu hỏi đặt ra là những tác phẩm được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo có được bảo vệ quyền tác giả hay không, tác phẩm được trí tuệ nhân tạo làm lên là của ai. Nếu nói trí tuệ nhân tạo đã xâm phạm bản quyền thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Đây là những vấn đề về bản quyền sẽ xuất hiện trong thời đại Cách mạng 4.0 đang diễn ra như vũ bão.
Theo giới chuyên gia, trí tuệ nhân tạo đang thực sự là một thử thách cho bảo hộ bản quyền.
Tại Việt Nam, theo đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), việc thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số được áp dụng theo Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy trình rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (ISP). Theo đó các ISP có quyền thiết lập hệ thống giám sát, kiểm tra, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Mặt khác, đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù hệ thống hành lang pháp lý đã tương đối hoàn thiện nhưng rõ ràng với tốc độ phát triển như vũ bão, với nhiều thử thách mới liên tục được đặt ra, đơn cử như sự gia tăng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo thì công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn phải đối phó và cần nghiên cứu để có thêm những giải pháp hữu hiệu.
Có 2 cách để luật bản quyền xử lý những vấn đề liên quan đến các tác phẩm được tạo ra không phải bởi con người. Một là phủ nhận quyền tác giả của tác phấm được tạo ra bởi chương trình máy tính; hai là quyền tác giả thuộc về người đã tạo ra chương trình máy tính đó.
Tại Châu Âu, Tòa án Tư pháp của Liên minh châu Âu (CJEU) cũng đã tuyên bố bản quyền chỉ áp dụng đối với tác phẩm gốc và sáng tạo và phải phản ánh “sự sáng tạo trí tuệ riêng của tác giả”.
Còn ở một số quốc gia như Hồng Kông, Ấn Độ, Ireland, New Zealand và Vương quốc Anh thì họ trao quyền tác giả cho lập trình viên. Cách tiếp cận này được cho là tốt nhất trong luật bản quyền của Vương quốc Anh, phần 9(3) của Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế (CDPA) nêu rõ: “Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hay nghệ thuật được tạo ra từ máy tính, tác giả sẽ là người sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm được thực hiện”