Bữa ăn là nguồn cung cấp dinh dưỡng giúp tái tạo sức lao động. Suất ăn với chi phí thấp chẳng những nghèo dinh dưỡng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng suất ăn của công nhân.
Khó kiểm soát nguồn thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 4.256 bếp ăn tập thể, trong đó có 457 bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 37 bếp ăn tập thể, lực lượng chức năng đã phát hiện 7 bếp ăn vi phạm quy định an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 56 triệu đồng; đồng thời ghi nhận 1 vụ ngộ độc tập thể tại bếp ăn một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, vi phạm chủ yếu là các bếp ăn tập thể chưa thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, nhận thức của người chế biến còn hạn chế và đặc biệt, nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Còn theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khoảng 70% số vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cả nước thời gian qua là do sử dụng suất ăn từ nơi khác chuyển đến phục vụ công nhân. Ông Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho rằng, mùa hè nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm. Hơn nữa, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, nên khó kiểm soát về chất lượng, an toàn.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội chỉ có hơn 20% doanh nghiệp có bếp ăn tự nấu phục vụ công nhân, còn lại là ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các đối tác. Mặc dù các đơn vị cung cấp suất ăn đều xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý, hợp đồng cung cấp thực phẩm, nhưng chính chủ doanh nghiệp cũng băn khoăn về sự trung thực của nhà cung cấp.
Bà Hà Linh Chi, đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết, qua kiểm tra đơn vị nhận thầu dịch vụ bếp ăn của công ty, họ đều có hợp đồng nhập thực phẩm. Tuy nhiên, công ty không thể kiểm soát được thực phẩm đầu vào có đúng như trong hợp đồng hay không. Thậm chí, công ty đã sử dụng cả bộ test nhanh để kiểm tra độ an toàn của thực phẩm, song biện pháp này cũng không bảo đảm tuyệt đối.
Tương tự, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) giãi bày, để chăm lo 3 bữa ăn ca trong một ngày cho 4.300 lao động, doanh nghiệp đã thành lập Ban An toàn, vệ sinh thực phẩm gồm 14 người, chịu trách nhiệm về chất lượng của các bữa ăn. Cái khó của công ty là không tìm được nguồn thực phẩm tin cậy, cung cấp số lượng lớn, thường xuyên, nên đã phải hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Vì vậy, điều lo nhất vẫn là nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết thêm, nhà cung cấp suất ăn cho 500 công nhân của doanh nghiệp đã cam kết thực hiện tốt các khâu như: Cải tiến thực đơn hằng tuần, bảo quản thức ăn khi vận chuyển... Phía công ty cũng thành lập Ban Giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm. Song, cơ bản vẫn là sự tin tưởng vào ý thức, trách nhiệm của nhà cung cấp, bởi việc giám sát chủ yếu dựa vào cảm quan khó có thể phân biệt được thực phẩm sạch và thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Khi được hỏi về chất lượng bữa ăn của công nhân, chị Trần Thị Ngà, công nhân Công ty Denso Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long), cũng bày tỏ sự lo lắng: "Công ty đã quan tâm đến suất ăn cho công nhân với thực đơn đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, về nguồn gốc thực phẩm thì người lao động không được biết, nên vẫn có phần bất an trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm tiềm ẩn…".
Chi phí thấp, khó bảo đảm an toàn
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 3.262/4.182 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thực hiện bữa ăn ca cho người lao động, với mức trung bình là 25.000 đồng/suất. Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở đưa nội dung bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn cơ sở đã phát huy được vai trò của mình trong tổ chức các bữa ăn cho công nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát đầu vào của thực phẩm; xem xét chế độ dinh dưỡng của suất ăn... Tuy nhiên, có nơi chất lượng bữa ăn còn thấp (giá trị thật chỉ từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/suất) và đầu vào thực phẩm hầu hết doanh nghiệp “khoán” cho đơn vị thuê chế biến nên khó bảo đảm an toàn.
Do giá trị suất ăn thấp, nhiều cơ sở phải lựa chọn thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng... Đây chính là nguyên nhân khiến thực phẩm sạch khó tiếp cận được với các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp. Theo ông Vũ Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Long, nhiều công ty cung ứng thực phẩm đầu tư quy trình sản xuất khép kín, hệ thống máy móc hiện đại, nhà kho bảo quản đạt tiêu chuẩn để sản phẩm làm ra được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khi “chào hàng” tại các bếp ăn tập thể lại ít được lựa chọn, vì giá thành cao hơn thực phẩm ngoài thị trường.
Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, giá thực phẩm trên thị trường ngày càng tăng, nhưng chi phí suất ăn dành cho công nhân ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất còn thấp. Nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng một phần do những suất ăn giá rẻ, nguồn thực phẩm kém chất lượng. Đáng nói, một số cơ sở cung ứng suất ăn công nghiệp ở xa bếp ăn tập thể nên mất nhiều thời gian vận chuyển, trong khi phương tiện không bảo đảm, đã làm ảnh hưởng chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng…
Khi những bất an về chất lượng thực phẩm còn hiện hữu, thì phải có giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm ở những bếp ăn tập thể