Nhiều nguy hại
Sau hàng loạt vụ ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp Methanol, trong hơn một tháng qua, hàng chục đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội ra quân kiểm tra rất nhiều cơ sở ăn uống, kinh doanh, sản xuất rượu và đã thu giữ trên 50.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, tình hình ngộ độc rượu chứa Methanol không vì thế mà giảm đi. Mới đây nhất, vào cuối tuần qua, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai lại phải tiếp nhận cứu chữa cho 2 bệnh nhân nam ở Hà Nội bị ngộ độc rượu có chứa chất độc Methanol trong tình trạng rất nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, cho biết cả hai bệnh nhân đều uống rượu ở hàng quán ven đường và đã bị ngộ độc rất nặng, trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não, sốc nhiễm trùng máu nên dù đã được cấp cứu tích cực, lọc máu và điều trị giải độc nhưng sức khỏe vẫn trong tình trạng nguy kịch. Đại diện Trung tâm Chống độc cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn Methanol vẫn xuất hiện trên thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng, cho dù các lực lượng chức năng đã xử lý không ít cơ sở sản xuất,
kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, gây nguy hại sức khỏe.
Không chỉ có rượu chứa Methanol đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, tình trạng tràn lan các loại thực phẩm bẩn cũng đang khiến xã hội cảm thấy vô cùng bất an. Mới đây, lực lượng chức năng của tỉnh Cao Bằng đã phát hiện và triệt phá một
cơ sở giết mổ ở xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh chuyên thu mua heo đã chết, thậm chí thối rữa, để
chế biến thành đặc sản
thịt hun khói. Cơ quan chức năng của Cao Bằng thu giữ tại “tổng kho” của cơ sở này hơn 4 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi hôi thối, cùng nhiều thịt hun khói thành phẩm chuẩn bị xuất bán.
Theo Cục
ATTP, chỉ riêng trong tháng 3 năm nay, cả nước dù chỉ xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm nhưng đã khiến 243 người nhập viện, 4 ca tử vong. Còn từ đầu năm đến nay, toàn quốc có 21 vụ ngộ độc thực phẩm với 641 người mắc, 626 người phải điều trị và 15 trường hợp tử vong. Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây ra - chiếm tới hơn 40%, tiếp đó là các độc tố sinh học, hóa học và không xác định được nguyên nhân. Điều này cho thấy, thực phẩm nhiễm vi sinh nguy hại, hay tồn dư các hóa chất không được phép sử dụng đang lưu hành tràn lan trên thị trường. Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nghiên cứu tập trung vào chuỗi giá trị của thịt heo và rau ăn lá để tìm các nguy cơ về ATTP cho thấy, có tới 80% thịt heo, 85% rau chủ yếu được bày bán tại các chợ xanh nhỏ lẻ và những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị này. Có 76% thịt heo được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ với điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Cùng với đó là việc lạm dụng hoặc không được quản lý nghiêm ngặt các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp, thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc của một số lượng lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Xử chưa nghiêm
Rõ ràng tình trạng vi phạm vệ sinh ATTP trở nên nóng bỏng như hiện nay không chỉ khiến xã hội bức xúc mà còn rất lo lắng, hoang mang trước “miếng ăn, thức uống” hàng ngày. Cùng với nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng này là do không ít cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm cố tình vi phạm các quy định về ATTP, thì việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm ATTP vẫn còn chưa nghiêm túc, sát sao. Báo cáo nói trên của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chỉ rõ, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 cán bộ thanh tra ATTP nhưng chưa có một hệ thống giám sát ATTP đầy đủ và toàn diện. Bên cạnh đó, năng lực ứng phó và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam còn hạn chế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn, chính việc thanh tra, xử lý chưa nghiêm cả về hành chính lẫn hình sự các hành vi vi phạm về ATTP đã khiến cho tình trạng mất vệ sinh ATTP ngày càng đáng lo ngại. Cùng với đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Đáng chú ý, báo cáo kết quả thực hiện chính
sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016 cho thấy, trong 5 năm qua, cả nước đã kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, phát hiện được hơn 670.000 cơ sở vi phạm, nhưng rất ngạc nhiên khi mới có khoảng 136.000 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm chưa đầy 20%. Thậm chí, có không ít vụ việc vi phạm ATTP nghiêm trọng đã xảy ra, nhưng trong thời gian qua, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định vệ sinh ATTP. Đáng lo hơn, khi vi phạm ATTP có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng nhưng ngay cả mức phạt hành chính thời gian qua chỉ trung bình 200.000 đồng/vụ việc, đối với lợi nhuận thu được qua việc vi phạm, mức phạt này có “hiệu quả” không khác gì... “muỗi đốt inox” nên không đủ sức răn đe và ngăn chặn