Thưa ông, hiện chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức sản xuất sản phẩm hữu cơ. Quan điểm của ông như thế nào khi nhiều doanh nghiệp đang phải tự mày mò trong lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Nam Hải: Thực tế, từ năm 2015, Việt Nam đã xây dựng công bố tiêu chuẩn TCVN11041:2015 - Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Đây là tiêu chuẩn khung, nhưng cũng có những hướng dẫn về nguyên tắc trồng trọt, chăn nuôi.
Tiêu chuẩn này phù hợp với tiêu chuẩn Codex quốc tế và đủ yếu tố để các doanh nghiệp, hộ nông dân có thể thực hiện.Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để hoàn thiện tiêu chuẩn này theo hướng sửa đổi sao cho dễ tiếp cận với người sử dụng.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phát triển thêm các tiêu chuẩn quốc gia khác để hướng dẫn chi tiết cho vấn đề sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong một số lĩnh vực như hướng dẫn chi tiết nền tảng của TCVN 11041:2015 trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hay sản xuất thức ăn chăn nuôi… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc gia để hướng dẫn chi tiết thực hiện TCVN11041:2015, mang tính hướng dẫn kỹ thuật, cách thức để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn này.
Hiện chưa có sự thống nhất là tổ chức nào có thể chứng nhận sản phẩm hữu cơ nên nhiều doanh nghiệp đang tự thực hiện sản xuất và tự công bố sản phẩm của mình là hữu cơ. Làm sao để có thể minh bạch hơn việc công nhận này?
Ông Nguyễn Nam Hải: Nói đến hoạt động chứng nhận thì cần nói đến tính minh bạch của hệ thống cơ sở dữ liệu xây dựng phù hợp với hệ thống chứng nhận của quốc tế là rất quan trọng. Tất cả các thông tin đó sẽ gắn với biện pháp để cho phép truy xuất nguồn gốc của sản phẩm đến thông tin chính xác. Tránh trường hợp người người, nhà nhà ai cũng công bố là “sản phẩm hữu cơ” nhưng cuối cùng việc công bố đó không có cơ sở xác thực.
Hiện nay Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ đang triển khai chương trình đảm bảo cùng tham gia theo tiêu chuẩn PGS của Tổ chức Các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM). Đây là một nội dung chúng tôi cho rằng cần khuyến khích trong thời gian tới bởi vì khi người nông dân với điều kiện kinh tế nhỏ lẻ, nhóm họp các nhóm khác nhau cùng thực hiện sản xuất hữu cơ theo cơ chế tự nguyện thì đáng khuyến khích.
Tuy nhiên cơ chế này theo luật pháp về quản lý chất lượng sẽ không được coi là hệ thống chứng nhận mà “mang màu sắc” của hệ thống tự công bố. Tức là nhà sản xuất tự nguyện áp dụng nguyên tắc sản xuất hữu cơ, tham gia đánh giá chéo lẫn nhau giữa các hộ nông dân và có sự giám sát của ban điều hành. Nhưng về cơ bản đó là hoạt động của phương pháp “tự công bố phù hợp tiêu chuẩn”.
Tuy nhiên đây không phải là hoạt động chứng nhận của bên thứ 3, nên trong thời gian tới cần hoạt động triển khai chứng nhận của bên thứ 3 của các tổ chức chứng nhận tuân thủ theo nguyên tắc chứng nhận của Việt Nam và phù hợp với quốc tế.
Vậy theo ông có nên cấm việc tự công bố sản phẩm hữu cơ không và đến khi nào các tiêu chuẩn chứng nhận với bên thứ 3 sẽ được thực hiện như ông nói?
Ông Nguyễn Nam Hải: Theo tôi vẫn nên khuyến khích các hình thức tự công bố, tự đánh giá mà các doanh nghiệp đang tham gia để thúc đẩy sản xuất thực phẩm hữu cơ. Nhưng vẫn phải có sự minh bạch hóa và điều chỉnh thông tin từ chương trình hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS, để tránh nhầm lẫn giữa hoạt động tự công bố với hoạt động chứng nhận do bên thứ ba thực hiện.
Hoạt động chứng nhận trong thời gian tới sẽ đi cùng với tính minh bạch của hệ thống cơ sở dữ liệu, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, tránh tình trạng “người người, nhà nhà” công bố là sản phẩm hữu cơ mà không có cơ sở xác thực. Dự kiến, giữa năm 2017 các tiêu chuẩn chứng nhận đối với bên thứ 3 sẽ được hoàn thiện.
Một trong những điều kiện cốt lõi để sản phẩm hữu cơ mở rộng thị trường là phải đảm bảo tính minh bạch và có thể truy xuất được nguồn gốc. Tổng cục có giải pháp nào cho vấn đề này?
Ông Nguyễn Nam Hải: Chúng tôi đang khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia trong chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ đăng ký thành một thực thể trong hệ thống mã số mã vạch quốc gia, do Tổng cục làm đầu mối quản lý.
Khác với các hệ thống thiết lập mã phản hồi nhanh (QR Code) tự phát hiện nay, đây là cơ sở dữ liệu về đơn vị sản xuất, sản phẩm được xác thực và đảm bảo độc lập, duy nhất trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch. Cơ sở dữ liệu về mã số mã vạch này kết nối với quốc tế, hỗ trợ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có xác thực thông tin.
Có thể nói, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức hoạt động chứng nhận. Vấn đề ở đây là tổ chức chứng nhận là đối tượng hình thành trên vấn đề thị trường. Khi chúng ta có thị trường cho sản phẩm này thì đã hoàn thành yếu tố quan trọng nhất để hình thành hệ thống, từ các nhà nông dân đến tổ chức chứng nhận đánh giá.
Theo tôi, cái gốc của vấn đề không phải tiêu chuẩn có rõ ràng hay không mà quan trọng là thị trường. Khi thị trường xác nhận có nhu cầu thật thì tất cả hệ thống sẽ đương nhiên phát triển theo