Xung quanh vấn đề được dư luận quan tâm này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với TS. Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP).
TS. Nguyễn Hùng Long.
PV:Xin ông cho biết có phải do vào mùa hè, NĐTP dễ xảy ra hơn và nguyên nhân do đâu?
TS. Nguyễn Hùng Long: NĐTP có thể do nguyên nhân sinh học, hóa học và lý học, trong đó nguyên nhân sinh học mà cụ thể vi khuẩn gây bệnh là chủ yếu. Khi thời tiết chuyển sang mùa hè, trời oi nóng, cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất là điều kiện rất lý tưởng cho vi sinh vật phát triển. Do vậy, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản là có thể dẫn đến NĐTP.
Điều kiện vệ sinh trong các khu chế biến thức ăn, nhất là bếp ăn tập thể đông người thường không đảm bảo vệ sinh như thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, nguyên liệu tươi sống không an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay, cùng với ý thức chấp hành yêu cầu về ATTP của người chế biến kém, các thực phẩm có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… được cung cấp không bảo đảm vệ sinh sẽ dẫn tới các thức ăn được nấu ra có nguy cơ cao gây NĐTP.
Một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến ATTP tại các bữa ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là giá trị của các suất ăn. Qua thực tế khảo sát các vụ ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp/khu chế xuất trong thời gian vừa qua cho thấy khoảng 70% các vụ NĐTP là do suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến cho công nhân ăn và giá trị một bữa ăn ca của công nhân tại nhiều nhà máy đều rất thấp, chỉ khoảng 11 - 12 nghìn đồng/suất. Với giá trị suất ăn như vậy rất khó để có được các loại nguyên liệu thực phẩm tươi ngon, bảo đảm vệ sinh, an toàn.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan của thời tiết, nguyên nhân chủ quan của người cung cấp, chế biến thực phẩm thì ý thức không tốt về ATTP của người tiêu dùng cũng góp phần làm tăng nguy cơ NĐTP. Các cuộc điều tra đã cho thấy một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng, quầy hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP. Khá nhiều vụ NĐTP xảy ra do thức ăn từ những quán, quầy bánh mỳ pa-tê, thức ăn đường phố đã gây ra ngộ độc hàng chục người…
Cần mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: TM
PV: Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục ATTP đã có những biện pháp gì nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATTP, phòng tránh được NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè?
TS. Nguyễn Hùng Long: Ngay từ đầu mùa hè, để đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP, phòng tránh NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, Cục ATTP đã có Công văn số 1670/ATTP-NĐ gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố đề nghị đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và thực hành của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các địa phương trên toàn quốc. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có NĐTP xảy ra.
Cục ATTP cũng đã đề nghị các địa phương nâng cao vai trò của người đứng đầu và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Cục ATTP đang thành lập các đoàn thanh/kiểm tra nhằm đôn đốc, giám sát việc thực hiện chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP tại các địa phương.
Đối với các bếp ăn tập thể, Cục ATTP đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn và xây dựng các mô hình kiểm soát ATTP tại các bếp ăn tập thể với việc thành lập các tổ giám sát về ATTP hàng ngày tại bếp ăn trong đó đề cao vai trò của công đoàn và đại diện của người lao động trong hoạt động này.
Bên cạnh đó, từ tháng 9/2016, Cục ATTP đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm ATTP. Các cá nhân và đơn vị khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP có thể gọi điện tới số máy 04.32321556 hoặc 0911811556 để phản ánh. Đây là hai số điện thoại đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm ATTP của người dân 24/24h. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh thông tin vi phạm an toàn thực phẩm về địa chỉ email info@cfood.com.vn Khi nhận được những thông tin này, Cục ATTP sẽ báo nhanh cho các đơn vị phụ trách kiểm tra, xác minh.
Ngoài ra, Cục ATTP luôn đăng công khai kết quả giải quyết xử lý vi phạm về ATTP; phổ biến, đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP; phổ biến kiến thức cũng như cảnh báo kịp thời các nguy cơ mất ATTP trên trang thông tin điện tử của Cục.
PV: Vậy thưa ông, khi xảy ra NĐTP, cần phải xử lý như thế nào?
TS. Nguyễn Hùng Long: Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn địa phương về việc xử lý và điều tra để xác định nguyên nhân khi có NĐTP xảy ra. Các địa phương đã được hướng dẫn thành ít nhất một đội thường trực xử lý NĐTP để khi xảy ra là có thể triển khai ngay các hoạt động khắc phục. Cục ATTP cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập xử lý NĐTP nhiều người mắc cho các địa phương và các doanh nghiệp lớn có bếp ăn tập thể.
Theo đó, khi có NĐTP, việc đầu tiên phải tập trung vào vận chuyển, cấp cứu người bị ngộ độc nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Yêu cầu ngừng sử dụng các thực phẩm liên quan đến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc, cơ sở cung cấp hoặc chế biến thức ăn phải tạm dừng hoạt động, đồng thời tổ chức điều tra, lấy mẫu thực phẩm, thức ăn liên quan để kiểm nghiệm theo các quy trình đã được tập huấn và trong các văn bản hướng dẫn để xác định nguyên nhân.
Trong quá trình xử lý vụ NĐTP, cần chú trọng đến việc vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị NĐTP để phòng tránh sự lây lan và ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
PV:Theo ông, cần phải làm gì để có thực phẩm an toàn hiệu quả?
TS. Nguyễn Hùng Long: Để phòng chống NĐTP có hiệu quả, Cục ATTP khuyến cáo cần có sự phối hợp của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội.
Đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong suốt quá trình trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến, lưu thông phân phối thực phẩm.
Đối với các cấp chính quyền, quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao xảy ra NĐTP như bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Đối với người tiêu dùng, chỉ mua và sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm, chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi và thực hiện “5 chìa khóa vàng” để có thực phẩm an toàn của WHO, cụ thể như sau: Giữ vệ sinh để ngăn ngừa thực phẩm bị ô nhiễm; Bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín nhằm tránh ô nhiễm chéo; Nấu kỹ thức ăn để diệt hết các vi sinh vật; Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn; Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn để tránh thức ăn bị ô nhiễm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!