Theo Cục Quản lý thị trường, vấn nạn hàng nhái, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) đang diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng. Nhất là trong lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm SHTT rất khó chỉ ra nhóm hàng nào không bị làm giả từ mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thủy sản, các loại hàng sắt, tôn lợp, vật liệu xây dựng các loại, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi…
Chỉ trong 10 tháng năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ; phát hiện, xử lý gần 88.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm: kiểm tra, xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng.
Ngoài những thiệt hại về kinh tế, hàng giả, hàng nhái còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng. Trước tình hình thực tế trên, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh cần làm quyết liệt, mạnh hơn chính sách áp thuế bán phá giá.
VATAP dẫn chứng, hiện nhiều DN nhập thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y hàng ngàn chủng loại, 90% trong số đó nhập từ Trung Quốc, nhiều loại chứa hàm lượng độc tố cao (ngay ở Trung Quốc cũng chỉ cho phép sử dụng vài trăm hoạt chất) gây hại cho nền nông nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, hiện có nhiều tổ chức như: công an, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra… làm nhiệm vụ thực thi song chưa phân định rõ đầu mối để quy rõ trách nhiệm dẫn đến tình trạng chồng chéo và không rõ trách nhiệm. Do vậy, VATAP kiến nghị xem lại thẩm quyền của từng lực lượng thực thi nhằm đảm bảo trách nhiệm trong chủ trì, phối hợp trong phát hiện và xử lý vi phạm.
VATAP kiến nghị các Bộ (Bộ Công Thương, Bộ Y Tế, Cục Quản lý dược, VSATTP) thống nhất về các tiêu chí khi kiểm tra hàng hóa bởi hiện nay quy định chưa thống nhất, nhất là cách ghi nhãn hàng hóa.
Về kiểm tra xử lý hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, vi phạm SHTT trong thời gian tới, VATAP kiến nghị cần triển khai có trọng tâm trọng điểm vào các mặt hàng như: thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, đồ uống, thực phẩm chữa bệnh, thuốc thú y, mỹ phẩm… đối với các địa bàn trọng điểm.
Có thể thấy, nguy cơ từ việc sử dụng các loại hàng giả hàng nhái là rất lớn. Do vậy, theo các chuyên gia, người tiêu dùng cần phải biết cách tự bảo vệ mình trước những sản phẩm độc hại tràn lan trên thị trường. Chỉ nên mua hàng tại những địa chỉ quen thuộc, đáng tin cậy, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng. Khi mua hàng, cần đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn hàng hóa hoặc với một số loại sản phẩm đặc biệt, chỉ mua khi có tem chống hàng giả.