Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Hiện nay, các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ rất tinh vi và khó nhận biết, nó thường núp dưới hình thức khác nhau. Tại khoản 1 – điều 129 – Luật sở hữu trí tuệ 2005, đã định hướng các hành vi được coi là xâm phạm đối với quyền nhãn hiệu. Bao gồm các hành vi sau:
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với
nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Phạm vi
bảo hộ nhãn hiệu rất rộng, bao gồm cả hình ảnh, chữ viết, phát âm… Nhãn hiệu là tài sản, là biểu tượng của doanh nghiệp, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ uy tín cũng như chất lượng của sản phẩm.
Cách hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu có thể là việc vi phạm quyền độc quyền khai thác và sử dụng nhãn hiệu đã đăng kí, quyền chuyển giao quyền sử dụng cũng như chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu cho người khác và quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của mình. Do vậy, những hành vi sử dụng nhãn hiệu của bất kì người thứ ba nào mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu đều bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Khi phát hiện những hành vi vi phạm này thì chủ thể có quyền và lợi ích liên quan có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước những hành vi xâm phạm đến quyền đối với nhãn hiệu của mình