Văn bản góp ý mới đây được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sau khi bộ này xây dựng Dự thảo Thông “Dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm” lấy ý kiến dư luận, chuyên gia.
Thông tư chưa có đủ cơ sở pháp lý
Theo đó, VCCI đưa ra khá nhiều quan điểm cho thấy sự chưa phù hợp, cần điều chỉnh và đặc biệt chỉ rõ mục đích của Thông tư có thể không đạt được, mà còn ngăn cản tự do kinh doanh và gây rào cản cho doanh nghiệp.
Cụ thể, VCCI cho rằng, áp dụng biện pháp dán tem lên xuất bản phẩm còn chưa đảm bảo căn cứ pháp lý khi Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định cũng quy định về việc quản lý xuất bản phẩm rồi.
"Về mặt logic, nếu tuân thủ theo đúng quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thì các xuất bản phẩm khi lưu thông ra thị trường sẽ không chứa đựng các nội dung không phù hợp. Như vậy, những ấn phẩm có nội dung ảnh hưởng tới các lợi ích công sẽ không được xuất bản thông qua nhà xuất bản", VCCI lập luận.
Vì vậy, dù nhà xuất bản có dán tem vào ấn phẩm của mình hay không cũng không ngăn chặn được hiện tượng có các ấn phẩm với nội dung xấu, độc hại xuất hiện trên thị trường.
Hơn nữa, theo VCCI, để thực hiện quy định dán tem, nhà xuất bản, DN in ấn sẽ bỏ ra chi phí in và dán tem lên xuất bản phẩm. Trong bối cảnh các nhà xuất bản đang gặp khó khăn về tài chính như hiện nay thì việc gánh thêm chi phí này sẽ càng đẩy các nhà xuất bản rơi vào tình trạng hoạt động không hiệu quả.
Tạo độc quyền, đi ngược lại tinh thần cải cách
Mặc dù theo giải trình của Cơ quan soạn thảo thì chi phí in và dán tem không lớn. Tuy nhiên, đối với các nhà xuất bản đang gặp khó khăn về tài chính, mọi khoản chi phí tăng thêm đều là rất đáng kể, đặc biệt khi chi phí đó là dành cho việc mà bản thân họ có thể không thấy cần thiết, không thấy lợi ích nào đáng kể.
"Nếu việc in tem chỉ tập trung vào một đơn vị nhất định, tình trạng độc quyền có thể sẽ khiến chi phí in tem tăng cao. Điều này càng khiến cho các nhà xuất bản gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh, hàng năm, một số nhà xuất bản phải xuất bản các mảng sách giáo khoa – loại mặt hàng thuộc diện quản lý giá", Văn bản phản hồi của VCCI nói rõ.
Theo VCCI, biện pháp được đưa ra tại Thông tư của Bộ TT&TT dường như đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp với doanh nghiệp trong tháng 5/2017, theo đó Chính phủ sẽ nỗ lực cải cách về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
"Việc ban hành Thông tư quy định việc dán tem phòng, chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm là chưa đủ căn cứ pháp lý, vượt quá mức cần thiết trong khi lại gây ra các tác động bất lợi, tạo thêm chi phí và thủ tục hành chính bất hợp lý cho các đối tượng liên quan", VCCI cho hay