Người tiêu dùng mua hàng tại địa chỉ có uy tín để tránh mua phải hàng giả. ảnh chụp tại quầy hàng tiêu dùng thiết yếu siêu thị Vì hòa bình.
Báo cáo nhanh của Chi cục QLTT, tính đến trung tuần tháng 11, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý 21 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và hàng hóa tịch thu trị giá gần 190 triệu đồng, trong đó tiền phạt vi phạm hành chính 124 triệu đồng, hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 65,6 triệu đồng. Theo đồng chí Trương Thanh Sơn, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh: Không chỉ đến dịp Tết mà ngay từ giữa năm, vấn nạn hàng giả đã diễn biến phức tạp. Những mặt hàng có giá trị kinh tế lớn, thuế suất cao, được tiêu thụ nhiều đều bị làm giả, ví dụ như thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp, thời điểm cận Tết thì có bánh, kẹo, rượu, bia…
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, lực lượng chức năng, người tiêu dùng và cả cộng đồng. Để công tác chống hàng giả đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả, có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thực tế như nâng cao năng lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Người dân sẵn sàng tố giác, hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý tội phạm làm hàng giả.
Đồng chí Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh nhấn mạnh: Hàng giả gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cần biết bảo vệ mình trước những sản phẩm độc hại tràn lan trên thị trường. Lưu ý chỉ nên mua hàng tại những địa chỉ quen thuộc, tin cậy, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng. Khi mua hàng cần đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn hàng hóa hoặc với một số sản phẩm đặc biệt, chỉ mua khi có tem chống hàng giả