Vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư H-Capital đến thời điểm này vẫn là điểm nóng âm ỉ của dư luận. Nhiều người cho rằng, VN Pharma bị phanh phui giả hồ sơ nhập thuốc ung thư, lãnh đạo công ty này bị xử lý, chỉ là một phần nổi được phát hiện trên tảng băng chìm, với nhiều góc khuất của ngành Dược.
Mới đây, sau một khoảng thời gian im lặng, Cục quản lý Dược - Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng, phúc đáp dư luận về một số vấn đề quan tâm.
Theo đó, công văn số 13761/QLD-TTa gửi Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC của Cục quản lý Dược, trả lời về tình hình thuốc giả ở nước ta hiện này cho biết: "Hiện nay, cùng với xu hướng hội nhập toàn cầu, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng hiện đại thuốc giả ngày càng tinh vi hơn, bằng cảm quan rất khó phát hiện vì có những thuốc giả được làm như thật. Thậm chí,
tem chống hàng giả trên sản phẩm cũng bị làm giả.
Vì lý do đó, có nhiều trường hợp thuốc giả chỉ phát hiện được sau khi có
kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc. Hoặc chỉ khi nhà sản xuất thuốc so sánh trực tiếp mẫu thuốc thật với mẫu thuốc giả mới phát hiện ra".
Cũng theo đại diện Cục quản lý Dược - Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng thấp thế giới. Tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam đã giảm đáng kể từ trên 7% năm 1990 xuống còn dưới 0.1% trong những năm 2010 đến nay.
Để có được kết quả đó từ năm 2001, Chính phủ đã thành lập Ban thường trực phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả 127. Ban này được đổi tên thành Ban 389 vào năm 2014 với sự tham gia của Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Hải quan và các Bộ quản lý chuyên ngành trong đó có Bộ Y tế để thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời nghiêm khắc các cá nhân cơ sở kinh doanh sản xuất thuốc vi phạm.
Ban 389, Bộ Y tế sẽ truy tận gốc các vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiến hành xử phạt nghiêm khắc các cơ sở kinh doanh mua bán không có hóa đơn chứng từ tạo khe hở cho thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành.
Bộ cũng rất mạnh tay tước giấy phép, tịch thu tiêu hủy sản phẩm, chuyển cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý hình sự khi cần thiết.
Không chỉ kiểm soát ban đầu, Bộ Y tế còn tăng cường giám sát, kiểm nghiệm đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, các điều kiện sản xuất trước khi được pháp đưa ra thị trường lưu hành. Tất cả phải đạt yêu cầu, tiêu chuẩn mới được phép lưu thông.
"Ngành Dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải được kiểm tra cấp phép trước. Tất cả các loại thuốc khi lưu thông phân phối trên thị trường đều phải được phép lưu hành của Bộ Y tế và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Các doanh nghiệp Dược để được sản xuất, kinh doanh thuốc buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng, thiết bị, con người hệ thống và phải được cấp phép cũng như chịu thanh tra, kiểm tra thường xuyên", Cục Dược khẳng định.
Được biết, để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý thuốc, ngăn chặn tình trạng thuốc giả, ngăn chặn sản xuất buôn bán thuốc giả, Bộ Y tế đang triển khai nhiều biện pháp.
Phối hợp với các cơ quan Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Y tế, Thanh tra các cấp và nhiều đơn vị khác tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân sản xuất buôn bán thuốc giả, nhập lậu thuốc không rõ nguồn gốc, mua bán hóa đơn chứng từ và không tuân thủ các quy chế chuyên môn.
Hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống kiểm nghiệm với việc nâng cấp 3 Viện kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, 7 trung tâm kiểm nghiệm thuốc đạt chuẩn GLP và nhiều cấp khác đều phải đạt chuẩn...
Tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý Dược các nước để giải quyết tận gốc vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng, tình trạng nhập lậu thuốc, thuốc không rõ nguồn gốc lưu hành.
Phối hợp với cơ quan truyền thông kịp thời thông tin cho người dân về thuốc giả, thuốc kém chất lượng....