Diễn biến phức tạp Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, nhiều vụ việc có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị phát hiện xử lý. Các vụ việc này chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc đối ngoại Công ty Amway Việt Nam, các vụ vi phạm về
nhãn hiệu và tên thương mại diễn ra phổ biến từ sạp hàng rong, đến các trang bán hàng qua mạng. Dù công ty đã nỗ lực phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, nhưng nhiều vụ vẫn không thể giải quyết dứt điểm…
Ông Nguyễn Văn Hưng, một chủ
cửa hàng kinh doanh kính mắt lâu năm tại quận Thanh Xuân cho rằng, phần lớn các loại kính, đồng hồ tại chợ sinh viên, bày bán trên thị trường có giá vài trăm nghìn, thậm chí đến hàng triệu đồng vẫn là hàng giả, hàng nhập lậu… Loại hàng này bán ra lãi gấp nhiều lần, do đó tiểu thương lao vào kinh doanh và sẵn sàng đóng tiền nộp phạt khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Nhận định về thực trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; đăng ký tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để lừa dối người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp. Do mức siêu lợi nhuận, nên nhiều tổ chức, cá nhân đã sản xuất các loại hàng giả để trục lợi. Trong khi đó, các loại hàng này dễ được làm giả nhãn mác, bao bì rất tinh vi, người dùng khó phát hiện bằng mắt thường.
Triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm Theo Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (BCĐ 389/TP), từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, chủ yếu đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong lĩnh vực y tế như
thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu… Bên cạnh những vụ việc lớn, được dư luận quan tâm thì hàng ngày, hàng giờ trên thị trường, các vụ việc hàng giả, xâm phạm quyền
sở hữu trí tuệ liên tục được phát hiện. Riêng trong tháng 10-2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã kiểm tra 3.465 vụ, qua đó phát hiện xử lý 2.682 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu 526,719 tỷ đồng.
Điển hình, chiều 15-11, Đội Quản lý thị trường số 15 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) đã kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư khí công nghiệp (địa chỉ tổ 21 thôn Bãi, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai), đã phát hiện đơn vị này đang kinh doanh 17 bình khí dinitơ monoxit hay nitrous oxide (có công thức hóa học là N2O) loại 8 lít/bình, trọng lượng 4kg/bình và 63kg bóng cao su dùng để bơm khí N20. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp không xuất trình được giấy tờ chứng minh xuất xứ, không có hóa đơn giá trị gia tăng… nên lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng, xử lý theo quy định.
Đánh giá về những khó khăn trong quá trình đấu tranh, xử lý, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trịnh Quang Đức cho biết, phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi. Đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, đầu mối cung cấp bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Nếu có yêu cầu, hàng giả sẽ được gắn nhãn mác, giao cho khách hàng đặt mua, không tích trữ chờ tiêu thụ... Đáng chú ý, tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguồn gốc nước ngoài, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (cơ quan Thường trực BCĐ 389/TP) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai các kế hoạch liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng trong lĩnh vực y tế gồm thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu... lưu thông trên thị trường; Đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép sản xuất, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, đăng ký
chất lượng sản phẩm... để phát hiện các thủ đoạn gian lận về đo lường, đóng gói nhằm tăng giá, thu lợi bất chính. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu để triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng vận chuyển, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...