Ngăn chặn buôn lậu, kinh doanh hàng giả: Tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm
Thời gian cập nhật: 28/12/2019
Gần đây, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, nhất là các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, đặc biệt với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Diễn biến phức tạp
Sau nhiều tháng trinh sát, mới đây lực lượng chức năng đã bắt giữ một nhóm đối tượng chuyên sản xuất thuốc tăng, giảm cân giả nhãn hiệu Đông y gia truyền Tiến Hạnh, do Đặng Việt Đông (trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) cùng vợ là Nguyễn Thị Bình là chủ cơ sở. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 1,8 tấn nguyên liệu gồm bột ngô, bột gạo nếp, mật mía; 1 hộp dấu vuông có chữ “Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh; 59 hộp giấy in logo và chữ "Đông y gia truyền Tiến Hạnh"; 1.625 hộp trong có đựng sản phẩm và vỏ giấy in logo và chữ "sản phẩm tăng cân Đông y gia truyền Tiến Hạnh"; 1.000 gói ni lông chứa các viên thuốc hình con nhộng, 1 thùng carton đựng tem nhãn, 8 bao tải chứa bột các loại, 11 can mật mía (loại 20 lít), 2.000 vỏ hộp nhựa; 1.000 vỏ hộp giấy có in chữ "giảm cân Đông y gia truyền Tiến Hạnh"… Chủ cơ sở khai nhận đây là xưởng chế biến thuốc giảm cân, tăng cân mang thương hiệu "Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh". Mỗi hộp có trọng lượng khoảng 0,8 - 1kg, được bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/hộp, trung bình mỗi ngày bán được khoảng hơn 200 hộp. Phương thức giao dịch được bán qua mạng xã hội theo thỏa thuận với khách hàng đặt mua. Đến nay, hai đối tượng đã bán trót lọt cho người sử dụng khoảng 400.000 hộp với số tiền thu được 1 tỷ đồng...
Trước đó, Đội quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng phát hiện một kho tập kết các sản phẩm mỹ phẩm giả tại địa chỉ số 220 phố Đội Cấn (quận Ba Đình). Lực lượng chức năng đã kiểm kê, tạm giữ hơn 20.000 sản phẩm sữa tắm, dầu gội đầu, sữa dưỡng thể… được quảng cáo giúp trắng, sáng da. Trong đó, có hàng nghìn sản phẩm chưa kịp dán tem nhãn. Thủ đoạn của các đối tượng là nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, đóng vào các chai nhựa, tự dán tem nhãn thành sản phẩm có thương hiệu rồi đưa ra thị trường.
Nhận định về thực trạng trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (không có chất chính, hoặc các thành phần không như công bố chất lượng); đăng ký tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để lừa dối người tiêu dùng diễn biến phức tạp. Do mức siêu lợi nhuận, nên nhiều tổ chức, cá nhân đã sản xuất các loại hàng giả để trục lợi và không ít nhà thuốc sẵn sàng nhập mặt hàng tân dược không rõ nguồn gốc, thậm chí tân dược giả, kém chất lượng để hưởng lợi. Trong khi đó, các loại hàng này dễ được làm giả nhãn mác, bao bì rất tinh vi, người dùng khó phát hiện bằng mắt thường, gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng khi sử dụng.
Tăng cường phối hợp để xử lý
Theo Ban Chỉ đạo thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là BCĐ 389/TP), từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, chủ yếu đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong lĩnh vực y tế như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu… Trong 5 tháng đầu năm nay, Ban Chỉ đạo 389/TP đã kiểm tra 11.866 vụ; xử lý 9.760 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu lên tới trên 2.892 tỷ đồng.
Đánh giá về những khó khăn trong quá trình đấu tranh, xử lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Trịnh Quang Đức cho biết, một số cơ sở sản xuất hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nằm trên địa bàn, nhưng hàng hóa lại tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khác mà lực lượng quản lý thị trường Hà Nội không có thẩm quyền kiểm tra. Mặt khác, dù đã có chế tài với mức phạt tiền cao, song trên thực tế lại chưa đủ sức răn đe nếu so với mức lợi nhuận bất hợp pháp lớn mà các đối tượng có thể thu được khi sản xuất, buôn bán hàng giả. Điều này làm cho việc đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả không triệt để và kịp thời.
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã giao Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai các kế hoạch liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng trong lĩnh vực y tế gồm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu... lưu thông trên thị trường. Tăng cường rà soát các hoạt động cấp phép sản xuất, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, đăng ký chất lượng sản phẩm... để phát hiện các thủ đoạn gian lận về đo lường, đóng gói nhằm tăng giá, thu lợi bất chính. Công an TP Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng vận chuyển, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...