Câu chuyện hàng giả, hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, đánh cắp thành quả sáng tạo, thương hiệu của các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng trở nên nóng hơn, bởi phương thức của các đối tượng đã thay đổi theo chiều hướng tinh vi hơn, quy mô hơn cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động.
Những tháng cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng mở rộng hoạt động gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đã kịp thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có những giải pháp như thế nào để ngăn chặn hàng gian, hàng giả ngày càng gia tăng.
Theo ông Trương Văn Ba, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, vấn nạn hàng giả hàng nhái và nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến hết sức phức tạp.
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 11 tháng qua, trên cả nước có gần 80.000 vụ việc vi phạm trong vấn đề hàng gian, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được ngành chức năng phát hiện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017 với tổng số tiền bị phạt và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, tính chất và mức độ vi phạm trong việc làm hàng giả, hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, thương hiệu ngày càng tinh vi và phức tạp.
Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, điều đáng nói là bên cạnh những lợi ích mà khoa học công nghệ mang lại, nhiều đối tượng đã tận dụng sức mạnh của công nghệ để thực hiện những hoạt động phi pháp, thu về lợi nhuận trái pháp luật, kinh doanh hàng gian hàng giả thu lợi bất chính.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn cho rằng, hàng giả, hàng nhái đem lại siêu lợi nhuận trong khi việc xử lý sai phạm chỉ như “gãi ngứa”.
Mức xử phạt vi phạm hành chính chỉ vài triệu đồng, trong khi lợi nhuận có thể lên tới hàng tỷ đồng thì họ vẫn cứ sai phạm.
Các doanh nghiệp làm giả chấp nhận chịu phạt để tiếp tục sản xuất, kinh doanh hàng giả. Thậm chí có những địa chỉ từng bị kiểm tra, xử phạt sau đó vẫn tái phạm.
Sản phẩm của Tập đoàn NGK (Nhật Bản) cũng đang trong tình trạng tương tự khi bị làm giả tại thị trường Việt Nam.
Ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao Công ty NGK SPARK PLUGS cho biết, NGK nổi tiếng ở Việt Nam với các dòng sản phẩm bugi xe máy, do có chất lượng tốt nên sản phẩm bugi dành cho xe máy đang bị làm giả khá nhiều.
Bugi NGK chiếm khoảng 70% thị phần tại Việt Nam nhưng có đến 20% mang danh bugi NGK trên thị trường là hàng giả, không thể phân biệt được bằng mắt thường.
Có tình trạng doanh nghiệp vừa bán hàng chính hãng vừa bán kèm hàng nhái (có cả loại 1,2,3) với mức giá rẻ hơn hàng thật từ 20-50% tùy loại. Ngay cả khi làm việc với cơ quan chuyên trách họ cũng không phân biệt được bugi thật – giả.
Trước chỉ có loại một giả thì nay có thêm loại 2, loại 3 cho thấy công nghệ làm hàng giả ngày càng cao. Bugi giả gây nguy hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Do vậy, cơ quan chuyên trách cần tăng cường chế tài, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Đào, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Mỹ phẩm Anh Đào (Kiên Giang) chia sẻ, thủ đoạn của các đối tượng làm giả ngày càng tinh vi, thậm chí còn đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn doanh nghiệp sản xuất chính hãng.
Cơ quan chức năng cũng đã có những hỗ trợ doanh nghiệp bắt được một số vụ nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chỉ xử phạt hành chính với mức vài chục triệu đồng…
Do đó, Chính phủ sớm sửa đổi nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực này theo hình thức tăng nặng đối với hành vi làm hàng giả, hàng nhái…
Không chỉ thế, vấn nạn hàng giả hàng nhái trên mạng cũng là vấn đề gây nhức nhối, môi trường internet phát triển mạnh cũng là cơ hội để hàng giả, nhái thương hiệu hoành hành.
Rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu cao cấp, giá trị cao như giày Adidas, đồng hồ Rolex… bày bán công khai trên nhiều trang web với giá rẻ hơn hàng chục lần so với sản phẩm chính hãng…
Theo các chuyên gia, để chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả hơn thì phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng.
Bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về phía cơ quan chức năng tăng cường tập huấn đào tạo nâng cao nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường, nhất là tập huấn về phòng chống hàng gian, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực thương mại điện tử.
Lực lượng thực thi nhiệm vụ cần nắm rõ thông tin, địa bàn để có phương án kịp thời phát hiện, kiểm tra xử lý các vụ hàng gian, hàng giả có hiệu quả.
Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện tại, để ứng phó với vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, Ban chỉ đạo 389 đã xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019 sắp tới. Nhưng để chống hàng giả, cần sự chung tay vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng một cách mạnh mẽ.
Bởi công cuộc chống hành giả nếu không có doanh nghiệp đi cùng thì rất khó khăn. Vì khi sản phẩm của doanh nghiệp bị xâm phạm bản quyền thì người bị hại chính là doanh nghiệp, những người chủ thương hiệu, chủ nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đồng hành, chưa bảo vệ thương hiệu của mình, là cơ hội để hàng giả xâm nhập vào thị trường.
Ông Trần Giang Khuê cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu. Công nghệ là một trong những biện pháp cần thiết để phòng và chống.
Có thể là cài đặt mật khẩu, sử dụng tem, mã PR Corde, hay sử dụng cả blockchain - công nghệ mới trong thời kỳ 4.0 để bảo vệ thương hiệu cho mình.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần cập nhật thêm kiến thức mới để có những biện pháp đầy đủ, an toàn và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp".
Theo luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Luật sư Riêng (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính rõ ràng chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, mức phạt còn rất thấp so với hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội.
Vì thế cần có chế tài tăng nặng xử phạt vi phạm hành chính hơn nữa, để họ thấy rằng nếu làm ăn phi pháp nếu bị phát hiện, thì khoản lợi bất chính không đủ để nộp phạt. Mặc dù, quy định đang có chế tài phạt bổ sung, khắc phục hậu quả thế nhưng khó để xác định khoản “số lợi bất chính” để buộc họ phải nộp lại vì phần lớn hành vi này đã diễn ra thời gian dài trước khi bị phát hiện.
Bộ luật Hình sự 2015 cũng có những quy định về tội danh có liên quan, thế nhưng một số điều luật vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để áp dụng, dẫn đến việc có quy định nhưng lại khó xác định hành vi cụ thể để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó là hình phạt tù vẫn ở mức nhẹ dẫn đến chưa thật sự răn đe, giáo dục. Đặc biệt là các hành vi vi phạm có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt chưa tương xứng. Vì thế cần hoàn thiện thêm về tội danh, hướng dẫn cụ thể để các quy định sớm đi vào thực tiễn.