Càng gần tết, vấn đề hàng giả, hàng nhái lại càng được các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ. Tuy nhiên, một thị trường “đặc biệt” – in tem chống giả lại dường như bị cơ quan chức năng… bỏ qua. Chỉ cần tìm trên Internet sẽ thấy vô số các công ty in ấn mời chào mua tem chống hàng giả. Chi phí để in một con tem chống hàng giả có giá từ 200 đến 400 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với việc làm giả một chai rượu ngoại, một bao thuốc lá… Vì vậy tội phạm thường in tem giả, hay dùng chính tem chống hàng giả của các đơn vị được phép phát hành để dán vào hàng giả.
Ngày 7/12/2016 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Đức, sinh năm 1987, về tội buôn bán hàng giả. Đối tượng này buôn bán giấy vệ sinh giả nhãn hiệu của Công ty TNHH Tiến Hiếu, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã có kết luận giám định toàn bộ số hàng hóa không cùng loại với tem chống hàng giả, bao bì sản phẩm không đạt chất lượng công bố. Trung úy Hoàng Tiến Trung, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đông Anh cho biết: Đối tượng nói tất cả số hàng giả đều được dán giả tem của Bộ Công an.
Đây là một vụ án đã rõ khi cả hàng hóa và tem chống hàng giả đều bị làm giả. Do có quyền đặt in tem chống hàng giả theo mẫu riêng của mình, nên đã có trường hợp doanh nghiệp dán tem không đúng trên chủng loại hàng quá quy định. Khi bị kiểm tra, doanh nghiệp còn đưa ra lý lẽ: Tem chống hàng giả này đơn thuần là do đơn vị tự đặt in nhằm mục đích phân biệt với hàng hóa khác cùng loại trên thị trường để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như của mình.
Dễ như mua rau
Hiện nay có nhiều đơn vị được cơ quan chức năng chấp thuận cho in tem chống hàng giả để bảo hộ hàng hóa, phân biệt với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Nhà nước cũng không quy định mẫu tem cho các sản phẩm mà mỗi doanh nghiệp có thể tự lựa chọn mẫu tem riêng cho sản phẩm của mình. Từ những kẽ hở này, việc “loạn” tem chống hàng giả trở nên phổ biến dẫn đến nhiều hàng giả được dán tem chống hàng giả, khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận hàng giả.
Theo tìm hiểu, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tem chống hàng giả của các doanh nghiệp và cá nhân, nhiều công ty trung gian được thành lập để môi giới mua tem chống hàng giả. Những công ty này hoạt động công khai trên mạng, rất tiện lợi cho người muốn mua tem. Chỉ vài thao tác truy cập internet, người cần mua tem có thể liên hệ với địa chỉ bán tem chống hàng giả.
Hơn nữa, hồ sơ để được cấp tem khá đơn giản, bao gồm giấy đăng ký kinh doanh; giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (CO, CQ); danh mục sản phẩm dán tem và Giấy đăng ký nhãn hiệu độc quyền nếu muốn đưa logo nhãn hiệu độc quyền lên con tem.
Như vậy, thông tin quan trọng là số lượng tem không được nhắc đến trong hồ sơ xin cấp tem. Nói cách khách khách hàng đăng ký mua càng nhiều tem thì đơn vị môi giới càng hưởng lợi do liên quan đến lợi nhuận.
Do không kiểm soát số lượng tem nên doanh nghiệp muốn kê khống lên bao nhiêu tem vẫn được cung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc khi đã có hàng ngàn tem trong tay, doanh nghiệp muốn dán vào bất cứ sản phẩm nào là quyền của họ, cho dù là dán vào hàng giả, hàng nhái, hàng lậu?
Việc tem chống hàng giả dễ dàng mua bán, giá cả rẻ đã tạo điều kiện cho những người buôn lậu, sản xuất hàng giả dễ dàng có được để dán lên hàng giả, hàng nhái đánh lừa người tiêu dùng.
Khó quản lý
Theo quy định, các doanh nghiệp, đơn vị có quyền in tem chống hàng giả theo mẫu riêng nên có trường hợp doanh nghiệp dán tem không đúng trên chủng loại hàng hóa quy định. Khi bị kiểm tra, doanh nghiệp sẽ đưa ra lý lẽ: tem chống hàng giả này đơn thuần là do đơn vị tự đặt in nhằm mục đích phân biệt với hàng hóa khác cùng loại trên thị trường.
Loại tem chống hàng giả do doanh nghiệp tự đặt in không phải đăng kí kê khai, nên doanh nghiệp có thể dán hoặc không dán trên sản phẩm. Đây cũng chính là khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm.
Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện có nhiều đơn vị được phép in tem chống hàng giả trong khi việc quản lí in ấn chưa được quản lí chặt chẽ. Số lượng tem được in ra bao nhiêu, sử dụng bao nhiêu không có cơ quan nào thống kê, tổng hợp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đặt mua được tem thông qua các công ty trung gian nên việc doanh nghiệp mua để dán vào những sản phẩm nào cũng không thể quản lí. Một nghịch lí khác, tem chống hàng giả được nhiều đơn vị in ra nhưng lại không có cơ quan nào được giao trách nhiệm quản lí việc in ấn và quản lí việc sử dụng những loại tem này.
Vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã dán tem chống hàng giả lên sản phẩm hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng. Người cuối cùng bị thiệt chính là người tiêu dùng; đồng thời tạo kẽ hở cho việc trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước