Theo Chi cục Quản lý thị trường TP HN, hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp. Hàng giả không chỉ được sản xuất ở Việt Nam mà còn từ nước ngoài chuyển vào, công nghệ hiện đại, tinh vi mà ngay cả cơ quan chức năng cũng khó có thể phân biệt được.
Tổng giám đốc Intermix Huỳnh Kim Chi chia sẻ thông tin về nhãn hàng bột bánh xèo Hương Xưa bị làm nhái |
Vì siêu lợi nhuận nên đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả bất chấp quy định của pháp luật, tính mạng con người; áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất hàng giả giống như hàng thật; liên tục thay đổi địa điểm, phân tán công đoạn sản xuất tại nhiều nơi; giao hàng nhiều đợt với số lượng bày bán ra ít, còn lại cất giấu nơi kín đáo.
Hàng giả hiện nay rất phổ biến, từ hàng cao cấp đến bình dân, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, điện máy, phụ tùng xe, quần áo, thời trang, vật liệu xây dựng, phân bón; các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người như thuốc, thực phẩm… và cả tem chống hàng giả cũng bị làm giả.
Rất nhiều doanh nghiệp là nạn nhân, bị thiệt hại nặng nề do mất thị phần tiêu thụ, bị ảnh hưởng uy tín bởi hàng giả, hàng nhái. Bà Huỳnh Kim Chi - Tổng giám đốc Công ty Liên doanh bột Quốc tế (Intermix) - cho biết, vừa qua, bao bì mang nhãn hiệu bột bánh xèo Hương Xưa của công ty bị một doanh nghiệp nhái mẫu mã với nhãn hiệu là Hương Quê, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
“Mặc dù kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm của công ty đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhưng chúng tôi phải khổ sở khiếu nại, theo đuổi kiện tụng trong suốt 9 tháng ròng mới giành được công lý” - bà Chi phân trần.
Sản phẩm bột bánh xèo Hương Xưa và sản phẩm nhái mang nhãn hiệu Hương Quê |
Đó là một trong số ít những doanh nghiệp đấu tranh đến cùng để bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa của mình. Còn trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm mình bị làm giả nhưng không dám lên tiếng do sợ nếu công bố ồn ào, người tiêu dùng sẽ hoang mang quay lưng lại với cả sản phẩm thật. Do đó, không ít doanh nghiệp chấp nhận sống chung với hàng giả.
Ở phía người tiêu dùng, bên cạnh sự thiếu cảnh giác, ít có thông tin về sản phẩm nên mua phải hàng giả, hàng nhái thì cũng không ít người dân với tâm lý thích rẻ nên chấp nhận dùng hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng thời trang.
Về mặt quản lý, theo Chi cục Quản lý thị trường TP HN, công tác chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều bất cập bởi cơ chế thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn chồng chéo, chưa đồng bộ, sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ kiểm tra, quản lý còn hạn chế.
Có thể thấy, các vấn đề trên đang tiếp tục đặt ra những thách thức lớn cho cuộc chiến chống hàng giả.
Th.S Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Viện Kinh tế và quản lý TP HN: Toàn dân phải chống hàng giả Hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại rất lớn, không chỉ với doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái hàng hóa mà đó là thiệt hại của cả quốc gia, bởi nó làm suy thoái nền sản xuất trong nước, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính tới bờ vực phá sản; người tiêu dùng bị lừa, mất tiền, nguy hại đến sức khỏe, tính mạng; ngân sách Nhà nước bị thất thu. Vì thế, toàn dân phải tham gia chống lại hàng giả, hàng nhái. Trong đó, doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng việc tìm hiểu và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm, để khi xảy ra tranh chấp có cơ sở pháp lý để bảo vệ mình. Các cơ quan chức năng cần tăng hình phạt, xử lý thật nặng để chấm dứt hành vi vi phạm này như: Tịch thu giấy phép, xử lý hình sự, phạt tù, công khai trên báo chí, truyền hình những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vị phạm. Và, người tiêu dùng nên có một cuộc tẩy chay cực mạnh, để hàng giả, hàng nhái không còn đất tiêu thụ. |
"Ma trận" hàng giả
Theo ông Nguyễn Thành Phương - Trưởng phòng Dịch vụ tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường TP HN, thời gian qua, đã xuất hiện ngày càng nhiều hình thức sản xuất hàng giả tinh vi mang yếu tố nước ngoài đánh vào tâm lý sính ngoại, ham rẻ của người tiêu dùng. Có nhiều chủng loại hàng giả có nguồn gốc từ nước ngoài được nhập vào Việt Nam để gia công, đóng gói, pha trộn, lắp ráp… rồi đưa ra tiêu thụ. Hoặc hàng giả sản xuất tại nước ngoài dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác. Khi có đơn đặt hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả và giao cho khách hàng, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó chứ không cất giữ nên rất khó phát hiện xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các đội quản lý thị trường ở TP HN đã xử lý 310 vụ hàng giả, xâm phạm nhãn hiệu, tổng giá trị hàng hóa vi phạm 2,8 tỉ đồng, phạt tiền 1,9 tỉ đồng. Trong đó có nhiều vụ sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài như: 57 vụ hàng hóa giả nhãn hiệu Chenel; 20 vụ hàng hóa giả nhãn hiệu Louis Vuitton; 61 vụ giả nhãn hiệu Nike, Adidas; 5 vụ giả nhãn hiệu Polo; 11 vụ giả nhãn hiệu Tommy Hilfiger; 84 vụ đồng hồ giả nhãn hiệu Rolex, Piaget, Muller, Omega, Gucci (tịch thu hơn 3.000 chiếc)… |