Để đảm bảo
chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhà sản xuất cần phải đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình. Nhà sản xuất có thể áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (ký hiệu TCVN) và/hoặc tự xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (ký hiệu TCCS) cho sản phẩm của mình, việc lựa chọn tiêu chuẩn nào để áp dụng là hoàn toàn tự nguyện của nhà sản xuất. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, để sản phẩm hàng hóa được đưa ra lưu thông, mua bán, trao đổi thì chúng cần được nhà sản xuất, nhà
nhập khẩucông bố chất lượng hàng hóa (công bố tiêu chuẩn áp dụng). Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, sau đây bài viết sẽ giúp nhà sản xuất, nhà nhập khẩu tìm hiểu về các khái niệm liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa như: Tiêu chuẩn; Quy chuẩn kỹ thuật; Công bố hợp chuẩn; Công bố hơp quy và một số vấn đề liên quan.
Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006:
“Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyên áp dụng” (Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).
Về nguyên tắc, tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Tuy nhiên, khi toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật thì trở thành bắt buộc áp dụng.
“Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu cần thiết khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng” (theo Khoản 2, Điều 3, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật). Quy chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay bao gồm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (ký hiệu là QCVN) và quy chuẩn kỹ thuật địa phương (ký hiệu là QCĐP).
Về nguyên tắc, Quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng bắt buộc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội khác; được sử dụng làm cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cần lưu ý thông thường yêu cầu chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn không được thấp hơn các quy định kỹ thuật tương ứng cho cùng loại sản phẩm nêu trong quy chuẩn.
“Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng” (theo Khoản 8, Điều 3, Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật). Cụ thể hơn là việc tổ chức, cá nhân
tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng (theo Khoản 1, Điều 3, Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về công bố hợp chuẩn,
công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật).
“Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng” (Trích Khoản 9, Điều 3, Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật). Cụ thể hơn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn tương ứng (theo Khoản 2, Điều 3, Thông tư 28/2012/TT-BKHCN).
Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc, là điều kiện tiên quyết để đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì việc kiểm tra hồ sơ công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy là một trong những nội dung quan trọng của việc kiểm tra. Đối với hành vi vi phạm về công bố hợp chuẩn (Theo Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa) thì sẽ bị xử phạt đến 50.000.000 đồng, còn đối với hành vi vi phạm về công bố hợp quy (Theo Khoản 1, Điều 19, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP) thì sẽ bị xử phạt đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cần phải nắm rõ sản phẩm, hàng hóa của mình thuộc đối tượng công bố hợp chuẩn hay công bố hợp quy để thực hiện tránh trường hợp bị các cơ quan chức năng xử lý, xử phạt khi thanh tra, kiểm tra. Để hiểu được điều này thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cần căn cứ vào danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn được các Bộ ban hành để phân biệt.
Đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) là sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hay các địa phương trực thuộc trung ương sẽ quy định cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật và ban hành dưới dạng Quy chuẩn Quốc Gia (QCVN) hay Quy chuẩn Địa phương (QCĐP) và yêu cầu bắt buộc áp dụng. Các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 bắt buộc phải thực hiện công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa của mình.
Đối với sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1) là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cần công bố hợp chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa của mình.
Sản phẩm, hàng hóa được công bố hợp chuẩn hoặc công bố hợp quy giúp cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có một số lợi thế cạnh tranh như: Tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm - hàng hóa, giúp sản phẩm - hàng hóa dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn và tín nhiệm; Nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị phần của sản phẩm - hàng hóa trên thị trường; Nâng cao uy tín cho
thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm – hàng hóa; Thuận lợi khi tham gia thầu/đấu thầu hay khi cung cấp sản phẩm vào các dự án, công trình, hệ thống của các lĩnh vực/ngành có liên quan;…
Như vậy, để thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tạo được lợi thế trong cạnh tranh thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cần nghiên cứu Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, và các văn bản hướng dẫn hoặc đến Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn để được tư vấn, hướng dẫn về việc công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa của mình