Vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành gây hoang mang trong dư luận xã hội. Mặc dù cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực vào cuộc nhằm ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, song, dường như những doanh nghiệp bất lương vẫn đang qua mặt các cơ quan chức năng.
Khó hiểu hơn, trong khi các doanh nghiệp ngang nhiên làm hàng giả nhằm thu lợi bất chính, thì nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính lại e ngại, không công bố sản phẩm bị làm giả, không hợp tác với cơ quan chức năng trong công tác chống hàng giả. Điều này khiến các tổ chức, cá nhân vi phạm lần sau tinh vi hơn lần trước.
Kết quả khảo sát của trường Đại học Thương mại với 100 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ đã cho thấy, 90% doanh nghiệp sợ sản phẩm bị làm nhái nếu đưa ra thị trường, nhưng lại có tới 70% doanh nghiệp lại sẵn sàng nhái mẫu mã của doanh nghiệp khác.
Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ khiến hàng giả có nguy cơ phát triển. (Ảnh minh họa: Zing)
Một khảo sát khác với 350 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực tại địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên và Thanh Hoá cho thấy, chỉ có 208 doanh nghiệp quan tâm đến bảo vệ thương hiệu. Tuy nhiên, trong số này lại mới có 18/208 doanh nghiệp đã và đang xác lập quyền. 1/18 doanh nghiệp có đăng ký kiểu dáng công nghiệp và 17/18 doanh nghiệp chỉ đăng ký nhãn hiệu.
Nhận định của PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Thương mại) cho thấy, tại thị trường Việt Nam, bất cứ chủng loại hàng hóa nào cũng có thể bị làm giả một cách tinh vi. Hàng giả được sản xuất và lưu thông một cách công khai, dễ dàng trà trộn vào hàng thật khiến ngay cơ quan chức năng cũng rất khó có thể phát hiện ra.
“Người tiêu dùng hoang mang trong ma trận hàng thật – giả. Ngay cả chủ sở hữu thương hiệu cũng khó phân biệt được sản phẩm của mình bị làm giả huống chi người tiêu dùng”, vị này nói.
Vẫn theo phát hiện của PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, sở dĩ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn ngang nhiên có mặt trên thị trường là do có tới 98,37% vụ việc xử lý hành chính, còn lại số rất nhỏ 1,63% xử lý tư pháp qua toà án. Điều này cho thấy, khuôn khổ pháp luật trong xử lý vi phạm hàng giả còn quá nhẹ, chế tài chưa mạnh.
“Đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng là không đáng kể so với khoản lợi nhuận quá lớn từ việc sản xuất lưu thông hàng giả. Điều này khiến tội phạm trong lĩnh vực này dễ dàng tái phạm và vi phạm ngày càng gia tăng”, ông Thịnh băn khoăn.
Tán thành nhận định trên, ông Nguyễn Vũ Quân, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam thừa nhận, biện pháp hành chính được sử dụng nhiều nhất hiện nay để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vì ít tốn kém và nhanh gọn. Tuy nhiên, mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ mạnh và chưa đủ tính răn đe.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm thường trông chờ vào kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ hoặc ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp có ý kiến trái chiều giữa hai bên sẽ gây khó khăn cho cơ quan thực thi.
Bảo mật tài sản trí tuệ
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không đơn thuần chỉ là đấu tranh với vấn đề thật - giả, đây là sự đấu tranh về cách thức làm ăn giữa cách làm chộp giật hay bài bản nghiêm túc giữa các doanh nghiệp. Cùng với đó là câu chuyện về cạnh tranh sáng tạo, là vấn đề về niềm tin vào con người, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, để chống hàng giả và xâm phạm thương hiệu, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh chỉ rõ, phải thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, các bộ phận chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. “Cách làm chỉ là một phần, tư duy mới quan trọng. Không thay đổi tư duy không chống được hàng giả. Thay đổi tư duy trước rồi mới dẫn đến hành động thay đổi”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh chỉ ra.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, để chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu, các doanh nghiệp cần xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với việc đăng ký nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp, sáng chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thiết phải có quy chế bảo mật những tài sản trí tuệ, những bí mật, bí quyết kinh doanh, danh mục thông tin khách hàng, hệ thống phân phối… “Gần 90% doanh nghiệp được khảo sát không nhận diện được tài sản trí tuệ và không có biện pháp bảo vệ. Điều này rất đáng tiếc”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho hay.
Bên cạnh đó, câu chuyện chống hàng giả, hàng nhái có lẽ vẫn còn nan giải và kéo dài nếu như vẫn còn những lỗ hổng, kẽ hở từ chính cơ quan quản lý, hoặc chính những tổ chức, hiệp hội được giao trọng trách chống hàng giả lại tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi làm giả của doanh nghiệp phải xử lý nghiêm, song hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp đó của chính người trong cuộc thì cần phải có biện pháp mạnh mẽ, thật sự nghiêm khắc để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.