Tình huống trên đòi hỏi cán bộ UBND xã phải vận dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề sau: xác định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện
vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Cán bộ UBND xã phải áp dụng quy định tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 09/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” (dưới đây viết là Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT).
Về việc xác định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Việc xác định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của UBND cấp xã khi được UBND cấp huyện uỷ quyền cần căn cứ vào các quy định tại khoản 2 Điều 2 và điểm c khoản 2 Điều 5 Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT. Mặt hàng mà gia đình chị Nguyễn Thị Na kinh doanh là hàng tươi sống đã qua
chế biến không bao gói và cơ sở kinh doanh của gia đình chị Na hoạt động dưới hình thức hộ gia đình. Vì vậy trong tình huống này, UBND xã có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về việc hướng dẫn hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Cán bộ UBND xã căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT để hướng dẫn chị Na chuẩn bị những giấy tờ cần thiết sau đây:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị,
dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm:
+ Bản vẽ sơ đồ mặt bằng cơ sở kinh doanh và các khu vực xung quanh;
+ Bản mô tả quy trình chế biến cho sản phẩm hàng tươi sống.
- Bản cam kết bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hàng tươi sống của cơ sở kinh doanh.
- Bản sao công chứng “Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ” của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp kinh doanh thực phẩm.
Sau khi chị Na nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm,
UBND xã cần tiến hành các công việc theo trình tự sau:
- Bước 1: Thụ lý hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Bước 2: Tiến hành thẩm định, kiểm tra thực địa. Việc thẩm định được tiến hành như sau:
+ Thành lập đoàn thẩm định: đoàn thẩm định gồm 03 - 05 thành viên, trong đó phải có ít nhất 2/3 thành viên là cán bộ làm công tác chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm, thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể mời chuyên gia từ bên ngoài (phù hợp chuyên môn) tham gia đoàn thẩm định.
+ Tổ chức thẩm định cơ sở: trong vòng 15 ngày làm việc đoàn thẩm định phải thẩm định hồ sơ và thẩm định, kiểm tra thực địa. Kết quả thẩm định phải ghi rõ vào biên bản là “Đạt” hoặc “Không đạt”. Trường hợp “Không đạt” phải ghi rõ lý do.
Trường hợp kết quả thẩm định không đạt, trong biên bản thẩm định phải ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 03 tháng), nếu kết quả thẩm định lại vẫn không đạt thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở.
- Bước 3: Sau khi có kết quả thẩm định cơ sở kinh doanh đạt các tiêu chuẩn theo quy định, Chủ tịch UBND xã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh của gia đình chị Na