Giấy khám sức khoẻ là một trong những điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.Tuy nhiên hiện tại, theo quy định các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Do đó, bạn không cần phải có giấy khám sức khoẻ khi bán thực phẩm chức năng.
Theo khoản 1 điều 7 Nghị định 15/2018/NĐCP quy định rất rõ trình tự thủ tục và thành phần của hồ sơ để đăng kí bản công bố sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm.
Về cơ bản gồm những nội dung sau:
- Tiêu chuẩn nhà sản xuất.
- Giấy chứng nhận của cơ quan quản lý thực phẩm nước sản xuất cho phép sản phẩm đó được lưu hành tự do tại nước sản xuất (CFS), hoặc giấy chứng nhận y tế, hoặc giấy chứng nhận xuất khẩu.
- Giấy chứng nhận GMP hoặc tương đương đối với nhà máy sản xuất sản phẩm.
- Kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn.
- Các tài liệu chứng minh cho công dụng của sản phẩm.
- Mẫu nhãn sản phẩm.
- Bản công bố sản phẩm của tổ chức, cá nhân trong nước đứng ra chịu trách nhiệm nhập khẩu sản phẩm.
Toàn bộ hồ sơ trên được gửi qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Trong 21 ngày làm việc, từ khi nhận đủ hồ sơ nhập lệ cục ATTP sẽ có trách nhiệm thẩm định và trả kết quả nếu đạt yêu cầu.
Trong trường hợp yêu cầu chỉnh sửa hoặc bổ sung hồ sơ, Cục An toàn thực phẩm sẽ có trách nhiệm hướng dẫn bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu rõ nội dung cần bổ sung.
Rất cảm ơn câu hỏi của bạn. Về quy định của pháp luật để một sản phẩm được cấp phép là thuốc chữa bệnh hoặc một sản phẩm là thực phẩm chức năng đã rất rõ ràng. Do đó, nếu không đủ điều kiện làm thuốc thì không được cấp phép là thuốc chữa bệnh chứ không phải là rào cản như bạn nói.
Hiện nay đã có quy định các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt tiêu chuẩn GMP, do vậy việc kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, kiểm nghiệm sản xuất trước khi xuất xưởng được đảm bảo, sẽ đảm bảo tối đa các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không đạt chất lượng được xuất xưởng.
Hiện nay theo tinh thần hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ ban hành nghị định số 15, theo đó quản lý thực phẩm chuyển cơ bản từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh chồng chéo trong quản lý và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, áp dụng công nghệ trong quản lý.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta buông lỏng quản lý. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 115 và Quốc hội cũng đã thông qua luật hình sự sửa đổi, trong đó có quy định rõ tội vi phạm an toàn thực phẩm, mức xử phạt có thể đến 20 năm tù giam.
Theo hướng quản lý hiện nay, chúng ta sử dụng các nguồn lực để tập trung cho công tác hậu kiểm, trong đó kể cả hậu kiểm các hồ sơ được các doanh nghiệp gửi qua mạng để thực hiện thủ tục hành chính.
Thực tế, qua công tác hậu kiểm, chúng tôi cũng đã phát hiện một số tổ chức cá nhân tẩy xoá, sửa chữa, thậm chí làm giả giấy tờ, hồ sơ để đưa thực phẩm ra thị trường. Việc này cần phải được xử lý nghiêm. Chúng tôi đã có chương trình phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Công thương để ngăn chặn, xử lý tình trạng này.
Như tôi đã giải thích về khái niệm thực phẩm chức năng, sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo.
Do vậy, khi bạn thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo nêu trên là không nên mua, không tin, không sử dụng các sản phẩm như vậy.
Nói chung bệnh lao phổi sẽ làm cho bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch cơ thể cho nên có thể sử dụng hai loại TPCN: Một là loại tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng là detaimmum; Inmungama và các sản phẩm tăng cường thải độc, đặc biệt là gan và thận ví dụ Sylimarin, cà gai leo hoặc diệp hạ châu; đối với bổ thận có thể uống rễ râu ngô, râu mèo, huyền sâm,...
Nguyên tắc của một sản phẩm khi đặt tên phải có tra cứu Cục Sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm nhái thì không thông qua quy trình này do đó người tiêu dùng cần cẩn thận với các sản phẩm này, dễ gây hiểu nhầm là thuốc, nhái sản phẩm của một công ty có thương hiệu, uy tín trên thị trường.
Alphachumotrypsin, Sylimazin là các hoạt chất sinh học hoàn toàn có thể được sử dụng trong thực phẩm chức năng với liều thấp của thuốc. Nhưng khi đó các hoạt chất sinh học này không còn tác dụng điều trị bệnh nữa mà chỉ có tính chất hỗ trợ. Cho nên người tiêu dùng cần cân nhắc với sản phẩm này. Với việc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị thì có thể sử dụng.
Bạn phản ánh rất đúng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng.
Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh, đây là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh. Hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống.
Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn.
Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.
Đối với các báo chính thống, việc thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng là rất nghiêm túc. Vì theo quy định của pháp luật, người có sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được cơ quan chức năng thẩm định nội dung, và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định.
Tuy nhiên, hiện nay một số trang mạng xã hội, trang website về quản lý còn rất khó khăn, không phụ thuộc vào riêng Bộ Y tế. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng khác để xử lý tình trạng này.
Trong lúc các cơ quan chức năng đang phối hợp để xử lý người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo cố hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh...Đây là những quảng cáo sai sự thật.
Nghị định 15/2018 NĐCP quy định tại điều 26 và điều 27 thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trước khi tiến hành quảng cáo, thì người có sản phẩm quảng cáo phải đăng kí nội dung với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Người có sản phẩm quảng cáo và người phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo và quảng cáo đúng nội dung sau khi đã được cơ quan chức năng thẩm định. Thời gian thẩm định trả kết quả là 10 ngày làm việc. Toàn bộ trình tự, thủ tục được thực hiện trên dịch vụ công cấp độ 4. Bạn hoàn toàn không phải đến Cục an toàn thực phẩm mà có thể ngồi ngay tại doanh nghiệp của bạn để thực hiện thủ tục này.